Đây là thủ đoạn của những đường dây lừa đảo quy mô lớn, khiến nhiều nhà đầu tư “mua tiền ảo – mất tiền thật”. Nhiều bài học "nhãn tiền" đã được cảnh báo, thế nhưng rất nhiều đường dây vẫn tiếp tục tồn tại và được nuôi bởi chính "lòng tham" của hàng nghìn "nhà đầu tư".

Từ kêu gọi đầu tư kiểu đa cấp

Liên quan đến các đường dây lừa đảo tiền ảo, ngày 31/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tối bị can đối với Nguyễn Hữu Tiến (34 tuổi, quê quán Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VNCOINS, địa chỉ tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Phạm Việt Sơn (60 tuổi, ngụ quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc) và Nguyễn Hồng Quân (41 tuổi, ngụ Bình Dương, phụ trách công nghệ thông tin) để điều tra mở rộng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quá trình điều tra, Cơ quan Công an cũng bất ngờ với nhiều thủ đoạn tinh vi của nhóm đối tượng để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các nhà đầu tư. Kết quả điều tra xác định: Vào tháng 5/2015, Nguyễn Hữu Tiến thành lập và điều hành Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt, do Tiến làm chủ tịch Hội đồng quản trị và đại diện pháp luật.

Tiến thuê Phạm Việt Sơn, Nguyễn Hồng Quân đứng tên cổ đông và giữ các chức vụ khác nhau trong công ty. Tháng 8/2016, Tiến thành lập và điều hành Công ty cổ phần OTCMAX, thuê Sơn làm Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật và Quân phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin. Việc thành lập công ty chỉ là cách hợp thức hóa để người dân tin tưởng đầu tư vào các dự án ảo do Tiến tạo ra. Thực tế, OTCMAX không sản xuất kinh doanh, cũng không đầu tư vào dự án.

Theo một cán bộ điều tra của C44, để “che mắt” nhà đầu tư, Tiến còn tổ chức nhiều buổi hội thảo, dựng lên nhiều dự án “ảo” kêu gọi đầu tư như: dự án mua lại Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Quảng Phú (Thanh Hóa); đầu tư khai thác mỏ cát nước ngọt tỉnh Bình Thuận.

Đồng thời, hợp tác đầu tư với Công ty xây dựng Bắc Nam để xây dựng trung tâm thương mại tại Thanh Hóa; xây dựng sân bay Long Thành; xây dựng trung tâm thương mại, chung cư lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh.... Khi khách hàng thấy lợi nhuận đến 1,8%/ngày, đổ tiền vào các dự án thì Tiến chỉ đạo cấp dưới lấy tiền của người này trả lãi cho người sau, hoặc lấy tiền vốn góp của chính nhà đầu tư trả cho họ.

Nguyễn Hồng Quân khai nhận, phụ trách công nghệ thông tin của công ty, OTCMAX không bán mặt hàng gì ngoài các mã code (mã đầu tư). Các mã code từ 9 đến 10 ký tự là các chữ cái liền nhau, có giá từ 2,5 triệu đến 250 triệu đồng, được chia làm 4 gói đầu tư. Để tạo niềm tin, công ty còn phát hành các tạp chí cho nhà đầu tư, với nội dung do Quân thực hiện theo chỉ đạo của Tiến.

Có thể thấy, OTCMAX đã dùng thủ đoạn kêu gọi đầu tư theo hình thức đa cấp mà các cơ quan chức năng đã không ít lần lật tẩy nhiều công ty như vụ Công ty đa cấp Phúc Gia Bảo 868 sử dụng phương thức huy động tài chính lãi suất cao kiểu đa cấp và núp bóng dưới các hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty Phúc Gia Bảo và người dân.

Những người tham gia sẽ ký kết hợp đồng với Công ty Phúc Gia Bảo và đóng tiền theo các mức 12,6 triệu, 36,6 triệu và 72 triệu đồng và sẽ nhận những khoản lợi nhuận như: gói 36,6 triệu đồng - tổng số tiền nhận được sau 6 tháng đầu tư là 126 triệu đồng; gói 72,6 triệu đồng - tổng số tiền nhận được sau 10 tháng đầu tư là hơn 2 tỷ đồng…

Đến đường dây mua bán tiền ảo

Tuy nhiên, sau khi nhiều công ty bị phát giác hành vi huy động vốn kiểu đa cấp đã khiến số lượng nhà đầu tư mới giảm mạnh vào thời điểm cuối năm 2016. Công ty OTCMAX của Tiến không thu được tiền của nhà đầu tư mới nên không có tiền trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước.

Vì vậy, Tiến quyết định cho ngừng hoạt động trang web của công ty và đề nghị các nhà đầu tư sử dụng số tiền còn lại để quy đổi ra cổ phiếu của Công ty cổ phần đầy tư Thiên Rồng Việt – cũng là công ty của Tiến lập ra. Thực tế cả hai công ty của Tiến đều chưa được cấp phép phát hành cổ phiếu và giao dịch trên sàn chứng khoán.

Thấy làn sóng đầu tư tiền ảo đang dâng cao, tháng 9/2017, Tiến đổi tên OTCMAX thành Công ty cổ phần VNCOINS nhằm chuyển sang hình thức lừa đảo tiền ảo. Tiến tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, công bố Công ty VNCOINS có kênh đầu tư tiền ảo tạo ra giá trị lớn, nhà đầu tư mua tiền ảo VNCOINS gửi vào gói của mình sẽ được công ty đảm bảo lợi nhuận lên đến 2,5%/ngày.

Mặt khác, Tiến cũng mời gọi các nhà đầu tư từ OTCMAX chuyển qua mua tiền ảo do VNCOINS tạo ra, khách hàng không đồng ý sẽ phải trả lại OTCMAX toàn bộ giấy tờ ký hợp đồng hợp tác đầu tư và ký giấy xác nhận thanh lý hợp đồng, sau đó công ty sẽ trả lại tiền nhà đầu tư trong thời gian 45 ngày. Theo cán bộ điều tra, thực chất đó chỉ là cách nhằm lấy lại toàn bộ giấy tờ để nhà đầu tư không có bằng chứng khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Với tiền ảo VNCOINS, ban đầu Tiến cho định giá 0,9 USD/VNCOINS. Khi nhà đầu tư đổ tiền vào mua thì bộ phận công nghệ thông tin sẽ làm giá VNCOINS tăng lên mỗi ngày. Tuy nhiên, Tiến chỉ đạo không cho tiền ảo VNCOINS tăng liên tục dễ bị sinh nghi, mà biến động tăng mạnh, giảm nhẹ thường xuyên khiến thị trường linh động như Bitcoin. Thời điểm lực lượng chức năng bắt giữ các bị can, công ty này định giá mỗi VNCOINS 10 USD.

Theo Cơ quan Công an, bước đầu xác định, từ tháng 8 đến 11/2016, các công ty của Tiến đã lừa hơn 6.000 nhà đầu tư tham gia các dự án “ảo” với số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Tuy thực tế cho thấy, kênh đầu tư thông qua hình thức mua tiền ảo tiềm ẩn rủi ro rất cao, tuy nhiên làn sóng này vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thậm chí là càng phát triển nhiều hình thức mới, thu hút được rất nhiều "nhà đầu tư".

Những ngày qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm "nhà đầu tư" từ nhiều địa phương; trong đó có cả người nước ngoài đã tới cơ quan công an quận Phú Nhuận tố cáo hình vi lừa đảo ông Lê Minh Tâm (48 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bầu trời công nghệ, gọi tắt là Công ty Sky Mining, trụ sở 202B Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo nội dung đơn tố cáo, nhà đầu tư được lãnh đạo của Công ty Sky Mining quảng bá về dự án là tổ chức chuyên đầu tư mua máy về đào tiền ảo, với nhiều mức góp vốn khác nhau từ 500 USD tới hàng nghìn USD. Mức lợi nhuận nhà đầu tư sẽ được hưởng lên tới 300% trong thời gian 12-15 tháng và có ký hợp đồng góp vốn.

Theo “kịch bản quen thuộc”, sau thời gian đầu trả lãi đúng hẹn, đến khoảng tháng 6/2018, Sky Mining bắt đầu chậm trễ và không trả lãi suất như cam kết. Đến ngày 21/7, ban lãnh đạo Sky Mining thông báo về sự vắng mặt của Tổng giám đốc và đến nay các nhà đầu tư không còn nhận được bất kỳ khoản tiền nào nữa. Điều đáng nói là họ không nhận bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía Sky Mining.

Hiện nay, văn phòng Sky Mining đã khóa kín, bảng hiệu Sky Mining cũng không còn tại địa chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng lo ngại, các nhà đầu tư không thể liên lạc được với ông Tâm và ban lãnh đạo Sky Mining.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ từ những người tố cáo.

 

Hà Chung/TTXVN