Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
|
|
Biến chủng Omicron gây nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn đáng kể so với biến chủng Delta. |
Theo Công điện, đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron, và hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn nhiều trong khi chưa có cơ sở để xác định động lực thấp hơn so với biến chủng Delta.
Đồng thời, đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay khi đã được tiêm vắc xin đủ 2 mũi thì nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron vẫn cao hơn đáng kể so với chủng Delta, kể cả trong trường hợp động lực của chủng Omicron thấp hơn chủng Delta nhưng vì tốc độ lây lan nhanh hệ thống y tế vẫn đứng trước nguy cơ quá tải dẫn tới tử vong nhiều người.
Về hình hình trong nước, hiện chưa phát hiện có ca nhiễm biến chủng Omicron nhưng số người nhiễm bệnh, số bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn có xu hướng gia tăng và hệ thống y tế ở một số địa phương đã quá tải, phải chi viện từ Trung ương và các địa phương khác.
Trước tình hình đó và khả năng biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta là rất cao, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu: Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ; không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng.
Khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa Đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.
Tất cả các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch như nêu ở điểm 1 trên đây, căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Đồng thời, Bộ Y tế bảo đảm phân bổ đủ vắc xin cho các địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vắc xin.
Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương. Các địa phương tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.
Ngoài ra, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế ở tất cả các tuyến; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động.
Đặc biệt nhấn mạnh: Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Đối với Bộ Thông tin - Truyền thông, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các công cụ công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương để triển khai ứng dụng đồng bộ, hiệu quả, thực chất; phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương tăng cường tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch trong toàn xã hội trước nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến chủng Omicron.