Vượt rừng thiêng, dựng quê hương mới

Tìm đến xã Ea Kiết (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về những cựu chiến binh từng "vào sinh ra tử" nơi chiến trường. Mang trên mình thương tích chiến tranh, họ vẫn bền bỉ vượt khó, dựng xây cuộc sống trên vùng đất mới. Với người dân nơi đây, họ là những người lính “tàn nhưng không phế”, giàu nghị lực, sống nghĩa tình và đáng kính.

leftcenterrightdel
 Các thành viên trong Câu lạc bộ thường xuyên giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất và cuộc sống.

Gương mặt đậm nét hiền từ, ông Nguyễn Doãn Nhân (SN 1961, quê tỉnh Hà Tĩnh, trú tại thôn 8, xã Ea Kiết, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm 1980, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia (hay còn gọi là chiến trường K), giúp đất nước bạn chống nạn diệt chủng Pôl Pốt. Một năm sau đó, ông trở về quê hương và may mắn không bị thương của chiến tranh để lại trên cơ thể.

Nhưng không phải ai cũng có được may mắn như ông Nhân. Người đồng đội của ông là ông Lê Văn Hoát (SN 1963) trở về với tỉ lệ thương tật 71%, vĩnh viễn mất đi chân phải. Ông Nguyễn Văn Tương (SN 1960) thì mang một mảnh đạn cắm trong cột sống, thương tật 39%. Ông Phạm Văn Nhì (SN 1954) mất chân trái, còn ông Nguyễn Ngọc Tài (SN 1963) chịu thương tật 36%...

leftcenterrightdel
 Nhiều thành viên trong câu lạc bộ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.

Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng những vết thương thì vẫn còn nguyên vẹn, hằn sâu trên cơ thể, đau nhức theo từng đợt thay đổi của thời tiết. Thế nhưng, chưa bao giờ họ để mình bị khuất phục, lùi bước trước những khó khăn trong cuộc sống.

Năm 1987, thực hiện chủ trương của Nhà nước, 160 hộ dân ở tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có những cựu binh chiến trường K nói trên đã rời quê hương, mang theo hành trang là niềm tin và nghị lực, lên vùng đất mới xã Ea Kiết để xây dựng kinh tế.

Ký ức về những ngày đầu đặt chân đến vùng đất đỏ vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Nhân. Ông kể: “Thời gian đầu đặt chân đến vùng đất này, nơi đây còn hoang vu lắm, người dân gọi là “rừng thiêng nước độc” đói cơm, rách áo, sốt rét rừng rình rập từng ngày. Thời điểm đầu mới đặt chân lên quê hương mới, chúng tôi được nhà nước hỗ trợ lương thực trong 6 tháng. Sau đó, phải tự tìm cách mưu sinh. Sốt rét rừng hoành hành, nhưng không có phương tiện đi lại nên nếu chẳng may trong nhà có người ốm đau thì người dân phải huy động mọi người khiêng võng vượt chặng đường khoảng 20km, trong khoảng thời gian từ 4-5 tiếng đồng hồ mới đến được bệnh viện huyện. Do đó, hầu hết mọi người đều tìm cách tự chữa bệnh cho mình trước khi đến bệnh viện”.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Văn Tương - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh chiến trường K chia sẻ về hành trình lập nghiệp trên vùng đất đỏ bazan.

Không đầu hàng hoàn cảnh, những người lính năm xưa lại tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận đời thường. Họ vào rừng đào củ mài, hái măng, tìm hạt gấm để chống đói, thậm chí vào rừng thu gom củi đổi gạo.

Bên cạnh đó, mọi người còn cùng nhau khai hoang để lấy đất trồng hoa màu như bắp, lúa. Nhờ đất đỏ bazan màu mỡ nên chỉ một năm sau đó, các hộ dân lập nghiệp trên vùng đất mới xã Ea Kiết không còn phải đối diện với tình trạng thiếu thốn lương thực nữa.

Khi cuộc sống dần ổn định, các hộ dân bắt tay vào việc trồng cây công nghiệp như cà phê, điều... nhằm tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống. Nhờ vậy, các cựu chiến binh chiến trường K và nhiều hộ dân ở vùng kinh tế mới đã từng bước ổn định cuộc sống trên vùng đất mới. Những mái nhà lụp xụp dần nhường chỗ cho nương rẫy trù phú. Nhiều gia đình còn sắm được máy móc, dụng cụ, xe cày để phục vụ cho việc sản xuất.

Kết nối nghĩa tình, nâng bước nhau thoát nghèo

Tháng 12/2005, trong một đám cưới tại xã Ea Kiết, 8 người cựu binh chiến trường K, phần lớn quê ở tỉnh Hà Tĩnh đã tình cờ gặp lại nhau sau nhiều thập kỷ xa cách. Trong câu chuyện đời, chuyện lính, họ nhận ra không ít anh em vẫn chật vật mưu sinh.

leftcenterrightdel
 Các thành viên trong Câu lạc bộ đẩy mạnh phát triển các loại cây công nghiệp.

Từ cuộc hội ngộ đầy xúc động ấy, đầu năm 2006, Câu lạc bộ Cựu chiến binh chiến trường K chính thức được thành lập. Đến nay, Câu lạc bộ có 7 thành viên, do ông Nguyễn Văn Tương làm Chủ nhiệm, ông Nguyễn Doãn Nhân làm Phó Chủ nhiệm. Mục tiêu của Câu lạc bộ là kết nối tình đồng đội, chia sẻ buồn vui, hỗ trợ nhau trong cuộc sống cũng như trong phát triển kinh tế. Theo đó, bất cứ thành viên nào gặp khó khăn hay biến cố bất ngờ, những người còn lại sẽ kịp thời có mặt để san sẻ, giúp đỡ.

Đến năm 2007, một trận lũ quét tràn qua khiến ngôi nhà của ông Lê Thanh Liêm (trú tại thôn 8, xã Ea Kiết), thành viên trong Câu lạc bộ bị nhấn chìm trong biển nước, toàn bộ vật dụng sinh hoạt, sản xuất bị cuốn trôi. Với tinh thần tương thân tương ái, ngay sau đó, các thành viên đã đóng góp hơn 2 triệu đồng giúp gia đình ông Liêm mua lại dụng cụ cần thiết. Đồng thời, họ trích quỹ đột xuất cho gia đình ông vay thêm 3,5 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Không chỉ góp tiền, các thành viên còn góp 30 ngày công để cùng gia đình ông dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời đó, cuộc sống của gia đình ông Liêm nhanh chóng ổn định.

Mỗi năm, các thành viên trong Câu lạc bộ còn đóng quỹ với số tiền từ 1-2 triệu/người. Số tiền này được sử dụng để cho các thành viên thay nhau vay không tính lãi, thời hạn 2 năm, nhằm phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Nhờ nguồn vốn thiết thực ấy, nhiều cựu chiến binh trong Câu lạc bộ đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế dần ổn định và khấm khá, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

leftcenterrightdel
 Nhiều loại cây ăn quả có giá trị được đưa vào sản xuất.

Nhờ sự hỗ trợ của Câu lạc bộ, gia đình ông Lê Văn Hoát, từng sống trong căn nhà gỗ tạm bợ, chỉ trông vào khoản trợ cấp thương tật hơn 1 triệu đồng/tháng đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Năm 2010, ông được Câu lạc bộ cho vay 25 triệu đồng để mua bò và dê giống. Đàn vật nuôi sinh sôi, cộng với 1,5ha cà phê xen sầu riêng phát triển tốt, năm 2015, ông Hoát đã xây được nhà mới khang trang, thu nhập ổn định.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tài cũng được Câu lạc bộ cho vay vốn để khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi. Nhờ cần cù chăm chỉ, đàn bò của gia đình ông tăng lên hàng chục con, đàn dê lúc cao điểm lên đến 50 con. Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Với khoản vay 25 triệu đồng từ quỹ của Câu lạc bộ, gia đình ông Nguyễn Văn Tương – Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Đến nay, ngoài việc chăn nuôi, gia đình ông có 1,5ha cà phê, trồng xen canh hơn 100 cây sầu riêng. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình ông từng bước ổn định, các con đều học hành đến nơi đến chốn.

Không chỉ sát cánh cùng nhau trong phát triển kinh tế, các hội viên Câu lạc bộ còn chung tay đóng góp cho nhiều hoạt động ý nghĩa như khuyến học, khuyến tài, thăm hỏi khi ốm đau, hoạn nạn. Hằng năm, những học sinh là con em các gia đình hội viên có thành tích học tập xuất sắc đều được trích quỹ để khen thưởng, động viên. Câu lạc bộ còn dành kinh phí mừng thọ cha mẹ hội viên và các hội viên cao tuổi. Những việc làm tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại thấm đượm nghĩa tình đồng đội, gắn kết những người lính năm xưa bằng sợi dây nhân ái bền chặt giữa đời thường.

Ông Nguyễn Văn Tương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh chiến trường K, cho hay, trong quá trình hoạt động, điều đáng quý nhất là tinh thần đoàn kết giữa các thành viên. Nhờ đó, so với thời điểm mới thành lập, đến nay không còn ai trong Câu lạc bộ thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo, đời sống ngày càng khấm khá hơn. Hằng năm, Câu lạc bộ đều tổ chức tổng kết, đánh giá lại các hoạt động để rút kinh nghiệm, triển khai hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo./.

Nguyễn Chính