Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, Hà Tĩnh là đơn vị tiên phong trong việc sắp xếp, sáp nhập. Từ đây, nhiều trụ sở UBND xã, cũng như trường học đã bị bỏ hoang sau sáp nhập. Đáng nói, có rất nhiều trụ sở mới được xây dựng, tu bổ bằng ngân sách nhiều tỉ đồng, giờ bỏ trống, chưa có kế hoạch sử dụng.
Bỏ hoang hàng chục trụ sở UBND cấp xã
Sau sáp nhập, Hà Tĩnh từ 262 xã còn 216 xã, trong đó có 34 xã mới hình thành từ việc sáp nhập 80 xã. Điều này đồng nghĩa với việc dôi dư 46 trụ sở cấp xã.
Xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã Thạch Tân, Thạch Lâm, Thạch Hương. Trung tâm hành chính xã mới được chọn đặt tại trụ sở xã Thạch Tân cũ. Từ đó, trụ sở xã Thạch Lâm, Thạch Hương cũ phải bỏ trống. Trong đó trụ sở xã Thạch Hương vừa được xây dựng khang trang.
|
|
Hội trường UBND xã Thạch Hương mới xây dựng cũng phải bỏ hoang.
|
|
|
Trụ sở xã Thạch Hương cũ bị bỏ hoang. |
Ông Nguyễn Đình Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương (nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Hương cũ) cho biết, trụ sở xã Thạch Hương cũ mới xây dựng, tu bổ, đưa vào sử dụng 2 năm gần đây, với kinh phí trên 8 tỉ đồng, giờ phải bỏ trống vì xã mới chọn trụ sở xã Thạch Tân để “đóng đô”.
Xã Thanh Bình Thịnh ở huyện Đức Thọ cũng tương tự, hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã Đức Thanh, Đức Bình, Đức Thịnh. Sau sáp nhập, bắt buộc phải bỏ hoang 2 trụ sở, trong đó có trụ sở UBND xã Đức Thanh, vừa mới xây dựng và tu bổ lại một số hạng mục, với kinh phí gần 4 tỉ đồng.
|
|
Trụ sở xã Thạch Đồng bị bỏ trống hoang lạnh. |
Tại TP Hà Tĩnh cũng thế, trụ sở xã Thạch Đồng cũ cũng bị bỏ hoang sau khi sáp nhập với xã Thạch Môn thành xã Đồng Môn.
Rất nhiều trụ sở xã bị bỏ trống như thế, khiến cho cơ sở vật chất xuống cấp nhanh chóng và trầm trọng. Có nhiều trụ sở trở thành điểm đến lý tưởng cho những đối tượng xấu như nghiện hút, vì nơi đây luôn vắng bóng người.
Hàng chục trường học bỏ trống
Cùng với việc sáp nhập xã, là sáp nhập các trường học. Theo đó, nhiều ngôi trường quy mô, bề thế cũng bị bỏ hoang, ngày một xuống cấp vì không còn được sử dụng và quản lý tốt.
Điển hình, tại huyện Lộc Hà, hiện đang bỏ hoang trường THCS Đặng Tất, ở vị trí dẫn vào trung tâm xã.
Năm 2015, trường THCS Đặng Tất sáp nhập với trường THCS Hậu Lộc. Điểm trường THCS Hậu Lộc được chọn, bỏ trống trường THCS Đặng Tất với dãy nhà 2 tầng, 10 phòng học khang trang từ đó đến nay.
Tương tự, trường THCS Thịnh Lộc (Lộc Hà) cũng bị bỏ hoang sau khi sáp nhập vào trường THCS Bình An Thịnh. Ngôi trường này bề thế, quy mô với 2 dãy nhà hai tầng, mỗi dãy 8 phòng học.
|
|
Dãy nhà học 2 tầng của Trường THCS xã Thịnh Lộc bỏ hoang...
|
|
|
...thành nơi cho bò trú ngụ.
|
Ngay tại TP Hà Tĩnh cũng thế, bỏ hoang trường THCS Thạch Bình. Năm 2016, sau khi mới được xây dựng đưa vào sử dụng ít năm, toàn bộ học sinh trường THCS xã Thạch Bình chuyển về học ở trường THCS Đại Nài, bỏ lại ngồi trường hoang lạnh.
|
|
Dãy nhà học 2 tầng trường THCS xã Thạch Bình bỏ trống.
|
|
|
Cây cỏ dại mọc ngay bờ tường...
|
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, có đến 60/94 điểm trường bị bỏ hoang không sử dụng đến. Hầu hết, các trường học bị bỏ trống đó, đều bị xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống cửa chính, cửa sổ hư hỏng, tường nứt nẻ, rêu bám, như những ngôi nhà hoang vắng chủ.
Chính quyền và cơ quan chức năng nói gì?
Trước thực trạng lãng phí tài nguyên đất đai và lãng phí cơ sở vật chất hạ tầng này, cứ tưởng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phải đau đáu, tìm cách tháo gỡ sớm nhất có thể. Tuy vậy, khi đi giải đáp câu hỏi này, chúng tôi gặp phải sự bàng quang khó hiểu.
Tại huyện Đức Thọ - nơi có nhiều xã sáp nhập, cũng là nơi có 12 trụ sở bị bỏ hoang, nhưng ông Võ Công Hàm – Bí thư Huyện ủy lại cho rằng điều này không đáng lo ngại?!
“Việc giải quyết các trụ sở tồn đọng không phải một sớm một chiều. Đây không phải là vấn đề đáng lo ngại … 12 điểm trụ sở xã dư thừa thì có những điểm để lại đó làm cơ sở, trung tâm hoạt động cộng đồng. Có những trụ sở nếu bán được thì sẽ bán. Bây giờ nhìn vào thì thấy lãng phí, nhưng chấp nhận tạm thời bỏ hoang để được cái lâu dài” – Ông Võ Công Hàm cho biết.
|
|
Xót xa trước cảnh xuống cấp trầm trọng như này. |
Về phía Sở Tài chính Hà Tĩnh, ông Trần Anh Quân - Trưởng phòng quản lý giá và công sản cho biết, đối với các trụ sở xã đang bỏ hoang sắp tới sẽ có phương án. Một số trụ sở xã sẽ bán, số tiếp tục sử dụng, có một số xã sẽ điều chuyển. Nhưng cụ thể thời gian nào thì chưa… chốt! Vấn đề bảo quản, ông Quân cho rằng thuộc trách nhiệm của các địa phương.
“Đối với các trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập nếu không kịp thời xử lý thì sẽ không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Vì thế trước đó UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương soát xét lại các cơ sở nhà đất sau khi sáp nhập, phải có trách nhiệm bảo quản khi chưa có phương án xử lý” - Ông Quân cho biết.
Đối với trường học bị bỏ trống, ông Lê Quang Cảnh – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính thuộc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, việc sáp nhập trường học tại Hà Tĩnh được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu trước năm 2015, việc sáp đã dôi ra 94 điểm trường. Những ngôi trường này đều được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
“Tính đến năm 2016, có hơn 60/94 điểm bỏ hoang không sử dụng đến” – ông Cảnh cho biết.
|
|
Cơ sở vật chất đã bị hư hỏng hết. |
Riêng giai đoạn sau năm 2015, việc sáp nhập trường cũng dôi ra 81 điểm trường. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn sử dụng các điểm trường này để phục vụ việc dạy và học.
Được biết, những ngôi trường đang bị bỏ trống, là vấn đề khiến các địa phương băn khoăn tìm cách tháo gỡ, nhưng “đấu giá thì không ai mua, tái sử dụng thì không thể vì xuống cấp, tôn tạo lại để dùng thì không có kinh phí” – một lãnh đạo xã cho biết.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.