UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.

Thành phố Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu 100% quận, huyện, thị xã và 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố triển khai mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã; 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời.

Tổ chức kiểm tra 2.460 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; các cơ sở có biểu hiện phức tạp về tệ nạn mại dâm phải kiểm tra ít nhất một lần.

leftcenterrightdel
 Hà Nội yêu cầu kiểm tra ít nhất một lần các cơ sở có biểu hiện phức tạp về mại dâm. (ảnh minh họa).

Đáng chú ý, năm 2024, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu triệt xóa 3 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và không phát sinh điểm mới.

Cụ thể, 3 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm gồm: ngã ba Ngọc Hồi - Liên Ninh (xã Ngọc Hồi - Liên Ninh) và tuyến đường Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ (xã Tân Triều - Tả Thanh Oai - Thanh Liệt - Vĩnh Quỳnh - thị trấn Văn Điển) với các hoạt động gội đầu thư giãn, tẩm quất, massage. Đường Giải Phóng (khu vực ngã ba Bến xe Giáp Bát đến lối rẽ vào phố Đại Từ - phường Thịnh Liệt) là điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm tại địa bàn công cộng.

Duy trì không để tái hoạt động trở lại 8 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa gồm: Khu vực đường 32 (xã Đức Thượng, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức); quận Hà Đông có 2 điểm là Quốc lộ 6, khu vực bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa), Khu vực Chùa Tổng - La Dương (phường Dương Nội); đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy); đường Kim Giang (đoạn từ Cầu Tó đến đường Nghiêm Xuân Yêm thuộc địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì);

Đường ven sông Tô Lịch đoạn gần cầu Nguyễn Khánh Toàn (phường Cống Vị, Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, quận Ba Đình); phố Yersin - vườn hoa Pasteur (phường Phạm Đình Hổ) và Nguyễn Huy Tự - Trần Khánh Dư (phường Bạch Đằng), quận Hai Bà Trưng.

Về chống mại dâm, thành phố Hà Nội đặt ra nhiều chỉ tiêu như: Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống mại dâm cho 2.000 người dân tại địa phương; 3.460 người tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 25.000 người lao động trong các khu công nghiệp; 37.800 học sinh tại các trường Trung học phổ thông; 55.500 sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng và 34.000 học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu duy trì các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới; hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội trên địa bàn các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và triển khai nhân rộng tại các quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì,

Trong đó, tiếp cận, tư vấn cho 500 lượt người bán dâm; Ít nhất 60% người bán dâm có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, tư vấn tâm lý, pháp lý, sức khỏe, dạy nghề, tạo việc làm... giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Xem văn bản tại đây:

Vũ Phương