Chiều 20/9, TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4 đến 6h ngày 20/9/2021, Hà Nội ghi nhận tổng số 4.187 ca, trong đó có 1.311 ca ngoài cộng đồng; 1.854 ca trong khu cách lỵ, 760 ca trong khu phong tỏa; 213 ca trong bệnh viện, 49 ca nhập cảnh.

Giai đoạn trước khi giãn cách xã hội, từ ngày 27/4-23/7/2021 (88 ngày) toàn Thành phố ghi nhận 917 ca mắc, trung bình 10,4 ca/ngày; từ giữa tháng 7, số ca mắc gia tăng, xuất hiện những chùm ca bệnh phức tạp phát hiện tại cơ sở khám chữa bệnh, nhà máy trong khu công nghiệp, chợ, khu dân cư... nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.

Số ca mắc trung bình/ngày trong đợt giãn cách thứ 4 giảm rất mạnh, còn 27,7 ca/ngày (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày). Hiện tại, Thành phố có 10 chùm ca bệnh mới/phức tạp, cụ thể: Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân (584 ca); Văn Miếu, Đống Đa (118 ca); Văn Chương, Đống Đa (98 ca); Minh Khai, Hai Bà Trưng (60 ca); Thanh Liệt, Thanh Trì (19 ca); chung cư A1-A4-A5 Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai (23 ca); Tả Thanh Oai, Thanh Trì (10 ca), Việt Hưng, Long Biên (8 ca); Thụy Hương, Chương Mỹ (5 ca); Liên Phương, Thường Tín (4 ca).

Từ ngày 8/9/2021, Thành phố đã tiến hành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại tất cả các quận, huyện, thị xã và các điểm tiêm chủng cố định và lưu động..., bình quân mỗi ngày trong chiến dịch đã tiêm được 420.000 - 550.000 mũi tiêm; ngày cao điểm nhất đã tiêm 606.000 mũi.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà: Qua 2 đợt tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng, Thành phố tiếp tục có những giải pháp để đưa Hà Nội về trạng thái bình thường mới.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội sẽ nới lỏng một số hoạt động nhưng kèm theo là yêu cầu chặt chẽ về phòng dịch.

Thông tin tại họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn còn, vẫn có một số chùm ca bệnh, tại một số khu vực mật độ dân cư đông, ngõ chật hẹp,… Vì thế, Thành phố xác định nới lỏng một số hoạt động nhưng kèm theo là yêu cầu chặt chẽ về phòng dịch.

Mục tiêu hàng đầu đặt ra trong thời gian tới là, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân, giữ an toàn cho Thủ đô, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho người dân, điều chỉnh giải pháp an toàn, đảm bảo an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh dịch vụ phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Về nguyên tắc và định hướng lớn, Thành phố sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng cấp giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân di chuyển trên địa bàn Thành phố, tăng cường ứng dụng CNTT cho công tác phòng chống dịch, trong giám sát, truy vết.

Không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Trong quá trình triển khai, Thành phố phân cấp, uỷ quyền cho các sở ngành, địa phương tiếp tục hướng dẫn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện tốt nhất giải pháp phục hồi sản xuất, kinh tế, kinh doanh dịch vụ phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và hậu kiểm tại cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị về nguyên tắc phòng dịch.

Tiếp tục duy trì phong toả hẹp, quản lý chặt các điểm phong toả trên địa bàn, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đẩy nhanh tốc độ truy vết khi có trường hợp dương tính phát sinh để ngăn chặn, cách ly ngay nguồn lây.

Điều chỉnh hoạt động tại các khu vực ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao, khu vực cách ly, phong toả cũng như điều chỉnh hoạt động trên các địa bàn phù hợp thực tiễn một cách linh hoạt. Giao các địa phương quy định cụ thể để tạo điều kiện tốt nhất trong quản lý.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng mong muốn và đề nghị tất cả người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Thành phố tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để giữ vững thành quả trong thời gian qua, từ đó làm tốt công tác an sinh, phục hồi và phát triển kinh tế.

Cũng tại buổi họp báo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng mong muốn, ngoài việc thực hiện thông điệp 5K, việc người dân khai báo y tế thường xuyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tế vừa qua có những ca ho, sốt không khai báo, khi nhập viện mới phát hiện. Nếu khai báo sớm thì sẽ ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Vũ Phương