Nhà sưu tập trẻ đam mê sưu tầm gốm quý

Dày công sưu tầm hơn 10.000 hiện vật cổ xưa về Tây Nguyên, nhiều năm nay, anh Võ Minh Luân (SN 1985, trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) xem đó là tài sản quý, là báu vật của bản thân và gia đình.

leftcenterrightdel
 Chiếc chóe Lái Thiêu (sản xuất những năm 1930-1950) có vẽ linh vật rồng của người đồng bào Tây Nguyên.

Khi được hỏi về mối nhân duyên với đồ cổ, anh Luân cho biết, năm 2013, vợ chồng anh mới làm nhà xong. Thấy nhà trống trải, anh và vợ mình là chị Bùi Thị Yến (SN 1985) đi dạo bờ kênh ở Sài Gòn để mua một số hiện vật cổ về trưng bày, trang trí trong nhà. Quá trình sưu tầm đồ cổ, anh phát hiện ra, nhiều đồ vật cổ xưa chứa đựng nét văn hóa về vùng đất Tây Nguyên đại ngàn – nơi anh sinh ra và lớn lên.

Kể từ đó, anh Luân âm thầm đi đến nhiều nơi để sưu tầm các hiện vật cổ như gốm sứ, tranh ảnh, sách... có khắc họa những hình ảnh về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên. Rồi anh mê mẩn các cổ vật từ lúc nào không hay. Anh dành nhiều thời gian, công sức và  tiền tiền bạc để lặn lội khắp các buôn làng trong nước để tìm hiểu và sưu tầm đồ cổ. Bên cạnh đó, anh còn tham gia các đợt đấu giá ở các nước như Pháp, Mỹ mới có được những hiện vật cổ xưa về Tây Nguyên.

Đến nay, sau hơn 10 năm lặn lội khắp nơi, anh Luân đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật cổ xưa. Trong đó, có bộ sưu tập gốm hàng ngàn hiện vật cổ (chóe, tượng, bình, chum, ống dù, ống đựng tranh...) về các dân tộc Tây Nguyên.

Theo anh Luân, bộ sưu tập gốm sứ cổ xưa nói trên bao gồm nhiều dòng gốm khác nhau như: Đông Sơn, Lý, Trần, Lê, Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà, Gò Sành, Quảng Đức, Châu Ổ, Biên Hòa, Lái Thiêu.

leftcenterrightdel
  Linh vật rồng thể hiện trên những đồ ly, chén trà.

Trong hàng nghìn hiện vật gốm sứ đang sở hữu, anh Luân xem chiếc đĩa khắc họa rõ nét văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là linh hồn của bộ sưu tập gốm Tây Nguyên mà anh đang có được. Lý giải về điều này, anh Luân cho hay: “Trên chiếc đĩa có chạm khắc hình ảnh 11 người, trong đó có 10 người đang đứng thành vòng tròn để đánh cồng chiêng và một trưởng buôn đang ngồi uống rượu cần. Đây là sản phẩm gốm sứ của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, được làm trong khoảng thời gian từ 1950-1970. Chiến đĩa này được nhà sưu tập Phạm Hải Long ở TP HCM tặng cho tôi chiếc đĩa này với mong muốn giúp cho khách du lịch và người dân ở Buôn Ma Thuột hiểu hơn về nét đẹp của văn hóa các dân tộc Tây Nguyên”.

Hay chiếc chóe của dòng gốm Gò Sành trên đó có đắp nổi 2 con rồng cũng được anh Luân xem như là báu vật. Đây là cái chóe quý hiếm của dòng gốm Gò Sành được sản xuất ở Bình Định từ thế kỷ XIII-XV. Cho đến thời điểm hiện nay, đây là chiếc chóe duy nhất ở Việt Nam, cái còn lại được lưu giữ tại một bảo tàng ở Vương quốc Hà Lan.

Tất cả những hiện vật nói trên được anh Luân gìn giữ, bảo tồn cẩn thận tại căn nhà cổ Đại Ngàn ở số 43 Y Khu (buôn Păn Lăm, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và đặt tên là Nhà cổ Đại ngàn. Đáng nói, không giữ những cổ vật cho riêng mình mà thời gian qua, anh Luân thường xuyên mở cửa ngôi nhà cổ Đại Ngàn để cho người dân và du khách đến tham quan. Qua đó, giúp cho mọi người biết và hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thời xa xưa rất đẹp và trù phú. Đồng thời, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Linh vật rồng trên gốm cổ

Có dịp đến thăm quan bộ sưu tập của anh Luân, nhiều người còn không khỏi bị lôi cuốn bởi hàng trăm hiện vật cổ quý hiếm có khắc họa hình tượng con rồng với nhiều thế dáng khác nhau như: Long ẩn, lưỡng long tranh châu, long đuổi, long thăng, long giáng, long truy... Anh Luân cho biết, trong số các hiện vật này, có những hiện vật độc bản mà ở Việt Nam chỉ có 1 cái như: Chóe gốm gò sành, bình chủ đề Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...

leftcenterrightdel
 Hình tượng rồng trang trí trên những chiếc chóe gốm Biên Hòa xưa.

Theo anh Luân, rồng tượng trưng cho sự cao quý linh thiêng. Từ xa xưa, hình tượng rồng đã có trong dân gian và được xem như vật tổ của cư dân trồng lúa nước người Việt cổ với truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”. Không chỉ vậy, rồng còn tượng trưng cho sức mạnh, ước muốn vươn lên và tượng trưng cho thần quyền, vương quyền. Chính vì lẽ đó, mỗi khi nắm được thông tin về các hiện vật cổ có hình tượng con rồng, anh đều lặn lội đi tìm và sưu tầm cho bằng được mà không màng đến thời gian, đường xá xa xôi.

Trong rất nhiều hiện vật ở Nhà cổ Đại ngàn, chiếc chóe rượu cần đắp nổi hai linh vật rùa, kỳ đà của người dân tộc Ê Đê có sức cuốn hút kỳ lạ. Đặc biệt, trên chóe còn cò linh vật rồng đang bay. Anh Luân cho hay, đây là dòng chóe Thượng được người đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên đặt làm ở Lái Thiêu vào những năm 1940-1960.

leftcenterrightdel
 Sau hơn 10 năm lặn lội khắp nơi, anh Luân đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật cổ.

Bên cạnh đó, chiếc bình với hoa văn không gian văn hóa Tây Nguyên khắc họa linh vật rồng trên tai (vấu) cũng vô cùng độc đáo. Đây là chiếc bình Biên Hòa (sản xuất những năm 1950-1970) chủ đề Tây Nguyên duy nhất có linh vật rồng. Hiện vật này được anh sưu tầm từ bên Pháp vào năm 2019. “Hình tượng rồng trang trí trên những chiếc chóe gốm Biên Hòa xưa được chạm khắc thủ công bằng tay. Những chiếc chóe này được làm từ men tự nhiên tro trấu và đá tự nhiên” – anh Luân nói.

Linh vật rồng còn thể hiện trên chóe cổ Mỹ Thiện Châu Ổ (tỉnh Quảng Ngãi) vào thế kỷ 18. Đây là dòng gốm được triều Nguyễn hay đặt làm tặng quan chức, sứ thần, tù trưởng, già làng. Những chiếc chóe rượu cần này được người đồng bào dân tộc Tây Nguyên rất quý và sẵn sàng đổi nhiều trâu bò để lấy chóe.

leftcenterrightdel
 Mâm cơm ngày Tết xuân Giáp Thìn của gia đình anh Võ Minh Luân ở ngôi Nhà cổ Đại ngàn.

Hay đó những chiếc chóe Lái Thiêu xưa (sản xuất vào những năm 1930-1950) có vẽ linh vật rồng của người đồng bào Tây Nguyên. Trên chóe có hình tượng hai linh vật rồng 5 món đang bay trên mây đuổi nhau rất uy nghi. Theo anh Luân, những chiếc chóe này rất quý và gần như không còn nhiều.

Rồng còn được thể hiện trên chóe Lái Thiêu dòng Phúc Kiến đầu thế kỷ 20. Trên chóe, có hình tượng rồng long ổ, tượng trưng cho tầng lớp con cháu vua quan xưa kia. Đây là chiếc chóe mà anh Luân sưu tầm được ngay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, linh vật rồng còn thể hiện trên những đồ ly, chén trà. Trên đó, khắc họa hình tượng rồng 3 ngón đang bay biểu thị cho những điều may mắn, tốt đẹp.

Nhà sưu tập Võ Minh Luân là hội viên Trung Tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam, thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam. Hơn 10 năm tham gia nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, anh Luân đã có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Anh tham gia trưng bày và hiến tặng cổ vật nhiều năm liên tiếp cho bảo tàng các tỉnh: Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang, Ninh Thuận, Hoà Bình…/.
Nguyễn Chính - Tâm An