Những dấu ấn trên con đường nông thôn mới
Chúng tôi, tìm đến con đường tại thôn Đức An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil), hình ảnh hiện ra trước mắt khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Trước đây, con đường này là nỗi ám ảnh của người dân vào mùa mưa với những vũng bùn lầy lội, và vào mùa khô, bụi mù mịt bay khắp nơi. Giờ đây, con đường đã khoác lên mình lớp bê tông khang trang, sạch đẹp. Không còn lo ngại về những "ổ voi", "ổ gà", người dân giờ đây có thể di chuyển dễ dàng ngay cả khi trời đổ mưa lớn.
|
|
Hộ gia đình ông Trần Văn Khuông làm kinh tế giỏi tại xã Đắk Gằn hàng năm thu lãi hàng tỉ đồng. |
Bà Phan Thị Hồng (SN 1975, trú tại thôn Đức An) chia sẻ: “Từ nhà đến trung tâm xã chỉ khoảng 2-3 km, nhưng trước đây, mỗi khi trời mưa, tôi thường phải vội vã về nhà để tránh vật lộn với những con đường lầy lội. Việc vận chuyển nông sản cũng rất khó khăn. Từ khi con đường nông thôn mới được xây dựng, bà con yên tâm đi lại, giao thương buôn bán, vận chuyển nông sản hàng ngày. Giờ đây, các cháu nhỏ có thể đến trường một cách thuận lợi, không còn cảnh lấm lem bùn đất như trước nữa. Nhìn thấy lợi ích đó, bà con nơi đây rất tích cực chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới và bảo vệ từng đoạn đường làng, ngõ xóm”.
Tuyến đường thôn Đức An không chỉ được bê tông hóa kiên cố mà còn trở nên sinh động nhờ việc trồng hai hàng cây chuỗi ngọc hai bên. Những hàng cây xanh mướt, được chăm sóc cẩn thận và cắt tỉa gọn gàng, tạo nên không gian tươi mát. Đặc biệt, nhiều đoạn đường còn được người dân khéo léo tạo hình độc đáo, khiến cho con đường thôn quê thêm phần hấp dẫn và thu hút.
Chị Thái Thị Hiền (SN 1980, trú tại thôn Đức An) không giấu được niềm vui khi nói về sự thay đổi: “Sống trên con đường khang trang, sạch sẽ và có hàng cây cảnh đẹp, tôi cảm thấy rất vui và hào hứng. Gia đình tôi luôn ý thức dọn dẹp đoạn cây chuỗi ngọc trước nhà mà không cần chờ thôn huy động”.
Những ngôi nhà khang trang, sân chơi cho trẻ em và các công trình công cộng như trường học, Trạm Y tế xã Thuận An đã được nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Sự chuyển mình mạnh mẽ nói trên không chỉ là minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền và người dân mà còn là biểu tượng cho một tương lai tươi sáng hơn cho quê hương Đắk Nông.
Nhiều hộ dân vươn lên làm giàu
Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sự phát triển kinh tế cũng được đặc biệt chú trọng tại các xã nông thôn mới. Tại xã Thuận An, các cơ quan và đoàn thể không ngừng hỗ trợ nhiều hộ dân vay vốn không lãi suất để phát triển các mô hình chăn nuôi, thúc đẩy sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Một trong những điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1975, trú tại thôn Thuận Nam).
Bà Cúc chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ canh tác nông nghiệp nhưng không đạt năng suất, nên gặp nhiều khó khăn về kinh tế và thuộc diện hộ cận nghèo nhiều năm liền”. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, các đoàn thể của xã đã giúp gia đình bà vay 10 triệu đồng, với thời gian hoàn trả trong 3 năm mà không phải trả lãi.
Với số vốn này, bà đã đầu tư vào chăn nuôi, mua 4 con heo và 50 con gà. Đến nay, đàn gà đã phát triển lên 100 con, trong khi đàn heo có 38 con (bao gồm 35 con nhỏ và 3 con mẹ). Mỗi năm, gia đình bà thu nhập hơn 60 triệu đồng vươn lên thoát nghèo.
Tại xã Đắk Gằn, một số mô hình sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai, góp phần giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Điển hình là trang trại trồng dưa lưới trong nhà kính của ông Tám, do anh Nguyễn Thế Độ (SN 1982) quản lý.
Anh Độ chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu thị trường và mong muốn đưa cây trồng mới về địa phương với giá trị kinh tế cao, năm 2017, tôi bắt đầu đầu tư vào nhà kính và mua giống dưa lưới để trồng. Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc trồng, chăm sóc, chọn giống và xử lý để trái ngon hơn, mẫu mã đẹp và độ ngọt đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, sâu bệnh cũng là một thách thức. Tuy nhiên, qua từng bước làm, tôi đã học hỏi và rút kinh nghiệm. Từ năm 2019, chất lượng và giá trị dưa lưới đã cơ bản ổn định”.
Trung bình mỗi tháng, anh Độ thu hoạch từ 2-3 tấn dưa lưới, bán ra thị trường với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Mỗi năm, anh thu nhập từ 200-300 triệu đồng từ mô hình này. “So với các loại cây trồng khác, dưa lưới mang lại hiệu quả cao hơn. Đầu tư vào công nghệ nhà kính cũng giúp giảm công chăm sóc và tiết kiệm nhiều chi phí”, anh Độ cho biết.
Ngoài ra, anh Độ cũng nhận thấy rằng, việc xây dựng nông thôn mới đã giúp tuyến đường vào trang trại được bê tông hóa khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi đến thăm quan và mua dưa lưới. Đường điện ba pha cũng được kéo qua, giúp trang trại chủ động nguồn nhiên liệu sản xuất.
|
|
Người dân tại xã Thuận An phấn khởi vì xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều lợi ích để phát triển kinh tế. |
Ông Trần Văn Khuông (68 tuổi), Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đắk Gằn, không giấu nổi niềm tự hào khi chia sẻ về sự chuyển mình của quê hương: “Kể từ khi Đắk Gằn được công nhận là xã nông thôn mới, diện mạo cuộc sống của người dân đã thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đã nâng cao ý thức đóng góp của người dân trong các hoạt động tại địa phương”.
Cũng theo ông Khuông, việc xây dựng các nhà văn hóa không chỉ thúc đẩy các hoạt động phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ tại địa phương mà còn gắn kết người dân trên địa bàn. Nhiều câu lạc bộ như dân vũ, bóng chuyền, cầu lông đã ra đời, tạo khí thế rèn luyện thể dục thể thao trong cộng đồng...
Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ông Khuông còn được biết đến như một gương điển hình trong việc làm kinh tế giỏi tại xã Đắk Gằn với mô hình trồng đa canh trên cùng một diện tích. Với 17 ha đất rẫy của gia đình, ông đã mạnh dạn trồng 28 loại cây ăn trái và cây công nghiệp, giúp gia đình thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết: “Xây dựng nông thôn mới đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt địa phương, từ cơ sở hạ tầng đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bà con hiện rất phấn khởi và tin tưởng vào chương trình này. Hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, đã được đầu tư xây dựng bài bản, tạo thuận lợi lớn cho sản xuất. Trước đây, việc vận chuyển nông sản từ các thôn ra trung tâm rất khó khăn, nhưng giờ đây, 100% đường giao thông được bê tông hóa, giúp việc giao thương của bà con trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc xây dựng nhà văn hóa đã thúc đẩy phong trào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo tinh thần tích cực cho người dân”.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, và mục tiêu của chương trình. Đồng thời, tổ chức phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Sở cũng sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về xây dựng nông thôn mới, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu địa phương. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát và đánh giá chương trình cũng sẽ được tăng cường, phát huy vai trò giám sát của UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng sự tham gia của cộng đồng dân cư. Đặc biệt, sẽ chú trọng lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân để đề nghị xét công nhận đạt chuẩn theo các Bộ tiêu chí.
Cuối cùng, Sở sẽ tập trung triển khai hiệu quả 6 Chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện đồng bộ 8 Bộ tiêu chí trong chương trình này./.