Hành trình quay về nẻo thiện của những người CHXAPT thường gặp nhiều chông gai, từ những định kiến xã hội, sự thiếu tự tin; đồng thời nhiều người trong số họ bị thiếu kỹ năng nghề nghiệp và thiếu vốn để làm ăn. Từ thực tế đó, với chính sách vô cùng nhân văn, ngày 17/8/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người CHXAPT. Đây là một chính sách rất thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo điều kiện cho người CHXAPT được tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để sản xuất, kinh doanh, học nghề, nhằm vượt qua mặc cảm, tự ti, có việc làm, thu nhập ổn định, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Điểm tựa để con đường hoàn lương bớt khó khăn
    |
 |
Đại diện Ngân hàng CSXH huyện Yên Định tham quan mô hình nuôi cá - ốc của anh Trịnh Cao T. (xã Định Hưng) |
Anh Trịnh Cao T. (SN 1989) xã Định Hưng, huyện Yên Định, Thanh Hoá đã từng vì phút giây nông nổi mà vướng vào vòng lao lý. Sau khi chấp hành xong án phát tù, anh trở về địa phương và là một trong những khách hàng được tiếp cận, vay vốn chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù. Anh T. cho biết, bản thân đã cố gắng cải tạo tốt, mong chờ ngày hoàn lương trở về với gia đình, người thân. Được gia đình, địa phương, các cấp ngành luôn đồng hành, “tiếp sức” hỗ trợ trong hành trình tìm lại chính mình, nên anh T. quyết chí làm ăn lương thiện, phát triển kinh tế gia đình bằng mô nuôi ốc-cá ngay trên mảnh đất quê hương.
Anh T. cho biết: Vừa ra tù anh đã được xét cho vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện Yên Định. Anh đã sử dụng số vốn đó để mua ốc nhồi giống, cải tạo kết hợp thêm nuôi cá. Mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 4-500 triệu đồng từ mô hình này. Anh T. chia sẻ thêm: “100 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách được NHCSXH cho vay đối với gia đình tôi thực sự kịp thời, đúng lúc và rất quý. Sự quan tâm của nhà nước tôi có thêm tự tin và quyết tâm, nỗ lực vươn lên trongcuộc sống, giúp tôi có được thu nhập ổn định để nuôi vợ và 2 con cho tốt và điều quan trọng hơn là bản thân làm ăn lương thiện, chính đáng.”
Ông Phùng Bá Hồng, Giám đốc NHCSXH chi nhánh huyện Yên Định cho biết: Ngoài Trịnh Cao T., hiện nay trên địa bàn huyện Yên Định còn có 32 trường hợp vay vốn từ NHCSXH với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng, trong đó anh là một trong những trường hợp phát huy rất tốt hiệu quả từ nguồn vốn theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính Phủ. Đây là chính sách hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đối với những người lầm lỗi. Số vốn đó không chỉ là con số đơn thuần, nó còn là động lực tinh thần to lớn, giúp người CHXAPT có được cảm giác quan tâm, được tôn trọng. Điều này giúp họ có thêm động lực để vượt qua những mặc cảm và cảm giác tự ti về quá khứ của mình. Họ không còn bị xã hội nhìn nhận như những người thất bại mà là những con người có thể vươn lên và đóng góp lại cho gia đình và cộng đồng.
Được biết, trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm tỉnh Thanh Hóa có gần 2.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về nơi cư trú, sinh sống. Để hỗ trợ và giúp đỡ những người này tái hòa nhập cộng đồng, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 84 mô hình quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư. Qua hơn 2 năm thực hiện chính sách tín dụng cho người CHXAPT Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 483 lượt người CHXAPT với số tiền gần 44,2 tỷ đồng (trong đó từ nguồn vốn Ngân sách tỉnh chuyển sang cho vay 188 người CHXAPT, số tiền 17,6 tỷ đồng), đã có 15 người trả hết nợ và trả nợ dần với số tiền 963 triệu đồng. Đến nay còn 468 người CHXAPT đang được thụ hưởng với số tiền vay gần 42,8 tỷ đồng. Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 483 người CHXAPT đi học nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình.
    |
 |
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hoá. |
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hoá đề xuất: Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người CHXAPT, chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để cho vay năm 2026 và những năm tiếp theo; giúp cho nhiều người CHXAPT có vốn để học nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Đảm bảo quyền con người trong quá trình cải tạo
Với chức năng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, hằng năm VKSND tỉnh Thanh Hoá tổ chức kiểm sát trực tiếp định kỳ tại trại giam nhằm đảm bảo công tác quản lý, giáo dục người chấp hành hình phạt tù đúng quy định pháp luật. Thông qua công tác kiểm sát, Kiểm sát viên trực tiếp lắng nghe phạm nhân được nói lên nguyện vọng của mình; từ đó động viên, khuyến khích các phạm nhân giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình cải tạo; đồng thời tham gia giáo dục cảm hóa họ cũng như để đảm bảo quyền con người trong quá trình cải tạo. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan giam giữ đối chiếu, rà soát các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xét xét tha tù trước thời hạn.
Anh Nguyễn Văn D. người vừa CHXAPT (trú tại phường Tân Sơn, TP Thanh Hoá) chia sẻ: Trước khi tái hoà nhập cộng đồng, môi trường trong trại giam cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ. Bởi vì, đây là nơi cải tạo, giáo dục họ trong quá trình thi hành án. Sự đối xử của những phạm nhân cùng đội làm việc, cùng buồng giam và cách giáo dục, cải tạo của quản giáo; cách trò chuyện, chia sẻ của các Kiểm sát viên tại mỗi lần kiểm sát tại trại giam giúp họ thấy được sự quan tâm của cơ quan chức năng. Từ việc giáo dục, chia sẻ đó khiến họ nhận ra những sai lầm, nâng cao ý chí phấn đấu để sửa mình trở thành người công dân tốt.
    |
 |
Công chức, Kiểm sát viên Phòng 8, VKSND tỉnh Thanh Hoá trao đổi nghiệp vụ công tác thi hành án hình sự. |
Đồng chí Hoàng Việt Quang, Trưởng Phòng 8, VKSND tỉnh Thanh Hoá cho biết: Vai trò của VKSND đối với người chấp hành án phạt tù không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ pháp luật mà còn đóng góp vào quá trình cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng của những người bị án. Viện Kiểm sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ việc thi hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ. Điều này nhằm đảm bảo rằng các hoạt động giam giữ, cải tạo của phạm nhân được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không có sự lạm dụng, vi phạm quyền lợi của người chấp hành án. Việc giám sát cũng giúp ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền lợi của phạm nhân, đảm bảo họ được đối xử công bằng, đúng mức theo quy định của pháp luật và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, trong trường hợp phạm nhân có thái độ cải tạo tốt và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, VKS có thể đề xuất việc xem xét giảm án, ân xá hoặc đặc xá. Đây là cơ hội để người chấp hành án có thể được tái hòa nhập cộng đồng sớm,…