Những cô bé với nụ cười tỏa nắng ở quê hương “Vàng Chứ”
Bây giờ thì ít người biết đến thứ tà đào mang cái tên “Vàng Chứ”. Nhưng cuối những năm 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tà đạo lừa bịp này đã hoành hành gây nhiều khốn khổ cho bà con người dân tộc thiểu số Tây Bắc nói chung, dân tộc Mông nói riêng.
Với luận điệu “Không làm cũng thừa ăn, người nghèo trở nên giàu có, người mù trở nên sáng mắt...”, có thời điểm “Vàng Chứ” đã lôi kéo hàng ngàn gia đình, hàng chục ngàn người nhẹ dạ cả tin, bỏ bàn thờ tổ tiên, bỏ phong tục tập quán, di cư tự do, tìm “miền đất hứa”.
Tà đạo “Vàng Chứ” “ra đời” ở xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên do đối tượng Hạng Chu Vá cầm đầu, sau đó lan ra nhiều địa bàn khác của tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang và Lào Cai...
Cuối năm 1999, sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động của chính quyền và các lực lượng chức năng thứ tà đạo này đã không còn đất sống ở Chua Ta nói riêng, huyện Điện Biên Đông nói chung.
Người dân đã hiểu và nhận thức được những luận điệu sai trái, quay về với phong tục tập quán của dân tộc, không di cư tự do, quay lại với lao động sản xuất, ổn định đời sống.
Chúng tôi lên Chua Ta để thực hiện các cảnh quay cho phóng sự “Chua Ta 4 họ một lòng” kể câu chuyện “trở về” với bản làng, với phong tục tập quán của 4 dòng họ Vàng, Sùng, Lầu và họ Vừ...
Hôm đó từ thị trấn Na Son, chúng bắt đầu một cuộc hành trình chạy xe u –oát và cuốc bộ chừng 4 giờ đồng hồ mới đến trung tâm bản Chua Ta.
|
|
Một góc bản Chua Ta, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông. Ảnh chụp năm 1999. |
Chua Ta là theo tiếng phổ thông còn tên gọi đúng của bản là Chua Ta Tăng… tiếng Mông nghĩa là vách đá cao có loài ong khoái làm tổ. Theo lời kể của các già bản, cách đây mấy chục năm Chua Ta vẫn còn những tổ ong khoái to và dài gấp đôi cái lù cở (vật dụng đan bằng mây có dây khoác sau lưng để đựng đồ - PV).
Thời bấy giờ đặc sản ong khoái Chua Ta nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc, bởi không ở đâu có loại mật đặc sánh, chất lượng như mật ong khoái được tinh lọc từ những bông hoa của rừng đại ngàn dẫy núi Phì Nhừ…
Thời điểm đó đang bắt đầu vào mùa đông, trời se lạnh. Những đám mây trắng bồng bềnh, bảng lảng phủ một lớp voan trắng muốt khắp núi rừng biên ải.
Chúng tôi đi qua một điểm trường nằm cheo leo giữa gió núi và mây ngàn và bắt gặp hình ảnh rất đẹp. Một cô giáo người Kinh đang giảng trong lớp học có khoảng 15 học sinh người Mông.
Cuộc sống vùng cao hồi đó rất nghèo, trời rét nhưng không em nào có áo khoác. Nhiều em còn mặc quần áo vá nhưng khuôn mặt em nào cũng rạng ngời, sáng rực ý chí học hành. Đợi lớp giải lao, chúng tôi ngồi trò chuyện với cô giáo. Cô tên Dung và còn rất trẻ, 22 tuổi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Tây Bắc cô tình nguyện lên Chua Ta dạy học.
Cô bảo sao “cơn bão” Vàng Chứ, nhà nào cũng rất nghèo nhưng rất mừng là các ông bố bà mẹ đã nghe lời thầy cô, đồng ý cho con em đến lớp. Lớp cô chỉ có 17 em nhưng là học ghép cả 3 lớp 1,2,3.
|
|
Cô bé Vàng Thị Ly cách đây hơn 20 năm, và... |
Tôi xin phép bấm vội mấy kiểu ảnh trong lớp và ở “mời” mấy bé gái khoảng 8 - 9 tuổi xinh xắn, sở hữu đôi mắt đẹp, thông minh ra sân trường chụp thêm.
Tôi động viên các em nghe lời cô giáo, cố gắng vượt khó để đi học. Chỉ đi học mới thoát khổ, thoát nghèo, không bị “bắt” vợ sớm... rồi lại vác máy chạy. Do quá vội nên tôi chẳng kịp hứa hẹn nhưng tự nhủ sau này sẽ phóng ảnh gửi tặng cô giáo và các em học sinh nơi ấy, nhưng rồi công việc và cả sự vô tâm vô tình đã cuốn tôi đi và rốt cuộc những tấm phim này vẫn trong tủ. Mới đây tôi mang số hóa các tấm phim ngày ấy và gặp lại các cô bé người Mông xinh xắn, trong trẻo ngày nào.
Hồi bấy giờ vùng đồng bào dân tộc vẫn tồn tại nhiều hủ tục. Rất hiếm các em gái người Mông được theo đuổi sự nghiệp học hành. Do tập quán lạc hậu nên hầu hết các em chỉ học đến hết THCS rồi ở nhà “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Ngắm tấm ảnh mấy cô bé người Mông thông minh, trong sáng không hiểu sao tôi có niềm tin hiện giờ các em đều đã trưởng thành, tiếp tục theo học và biết đâu đang làm cán bộ, làm cô giáo, y sĩ ở đâu đó trên miền ngược.
Tôi bấm máy gọi cho Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Công an huyện Điện Biên Đông hỏi thêm thông tin. Qua lời kể của Thượng tá Tuấn Anh, xã Phì Nhừ bây giờ đã đổi khác. Đường ô tô vào trung tâm các bản, cuộc sống người dân đã và đang thay đổi từng ngày.
Tuấn Anh không biết gì về những nhân vật trong bức ảnh vì thời gian xảy ra quá lâu và anh cũng mới được điều động làm trưởng Công an huyện được 5 năm nay. Tôi quyết định “up” một trong những tấm hình của các cô bé lên trang facebook cá nhân và nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm...
* Cô bé ngày ấy và cô giáo hôm nay
Thời “thế giới phẳng” và toàn cầu hóa thông tin, mạng xã hội có một sức mạnh khó tưởng tượng. Chỉ sau vài tiếng “up” ảnh lên trang cá nhân, bài viết của tôi có hàng trăm lượt chia sẻ, hàng trăm bạn, nhất là các cô giáo ở Điện Biên đã vào cuộc tìm kiếm, “điều tra” và “inbox” cho tôi về manh mối các cô bé ở Chua Ta, xã Phì Nhừ.
Có nhiều người gửi link, chụp ảnh đại diện trang facebook cá nhân của những cô gái người Mông xinh đẹp ở đâu đó và khẳng định chắc chắn đã tìm ra nhân vật trong bức ảnh...
|
|
... Vàng Thị Ly hôm nay. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Ngày hôm sau, mới sớm tinh mơ tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi của anh Sùng A Trường, Phó Ban Thanh tra tỉnh Điện Biên. Anh Trường nguyên là Thượng tá, Trưởng phòng, công tác ở Công an tỉnh Điện Biên, sau này anh chuyển ngành sang làm Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, rồi về làm Phó Ban Thanh tra tỉnh. Anh Trường vui vẻ cho biết đã tìm ra manh mối cô gái trong bức ảnh của tôi chụp cách đây hơn 20 năm. Anh cung cấp số máy của một cán bộ UBND huyện Điện Biên Đông là người dân tộc Mông để tôi tiện trao đổi liên lạc...
Đúng như linh cảm của tôi, vực thẳm núi cao không nản chí học hành, các em trong cái lớp bé xíu ngày ấy đã vượt qua luật tục, vượt qua định kiến, vượt qua bao khó khăn, vất vả của cuộc sống nơi rẻo cao để tiếp tục nuôi tiếp ước mơ học hành.
Một trong những nhân vật trong bức ảnh của tôi chụp ngày ấy đã trở thành cô giáo, và lại quay về quê hương tiếp tục sứ mệnh trồng người; đó là Vàng Thị Ly - cô bé có chiếc răng khểnh.
Trò chuyện với tôi, Ly bảo em sinh năm 1991, hồi bé em có duy nhất 1 tấm hình và trong trí nhớ em không có một kí ức nào về mấy anh nhà báo đã chụp ảnh em trên lớp nên em khá bất ngờ nhưng cũng rất vui khi thấy hình ảnh của mình và bạn bè cách đây 2 thập kỷ.
“Cảm ơn chú vì đã lục tìm quá khứ để cháu biết rằng ngày đó cháu như thế nào. Chúng cháu luôn phấn đấu trở thành công dân tốt và có ích cho xã hội, giữ gìn bản sắc và tín ngưỡng của dân tộc, kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc…”- Ly nói với tôi như vậy.
Trong cuộc đời làm báo, cũng như các đồng nghiệp khác tôi đã đi qua bao nhiêu vùng đất, gặp gỡ bao nhiêu con người nhưng cái khoảnh khắc bấm máy chụp cô bé người Mông và niềm tin về hành trình vượt khó, chiến thắng hủ tục của các em, nuôi tiếp chí học hành để thành cán bộ khiến tôi không bao giờ quên.
Đó là một kỷ niệm đẹp và xúc động. Bức ảnh cũng chỉ là khoảnh khắc "chợt đến" trong một chuyến công tác bình thường nhưng nó không "chợt đi" và bất ngờ quay về đánh thức nhiều cảm xúc thuở ngược ngàn sau 20 năm ngủ yên ở góc nào đó của ký ức.
|
|
Cô giáo Vàng Thị Ly dịp lễ 20/11. Ảnh nhân vật cc. |
Sự nghiệt ngã của thời gian đã làm 2 tấm hình phai sắc nhưng dường như nó lại được tô màu rực hơn, làm đậm thêm nhờ tình cảm, sự giúp đỡ đầy trách nhiệm của bạn bè trên cộng đồng facebook.
Cũng chính sự vào cuộc của cộng đồng mạng và các cô giáo ở Điện Biên nên chỉ sau vài tiếng “up” lên trang cá nhân, mọi người đã nhanh chóng tìm ra bé gái có nụ cười tỏa nắng mà trước đó tôi từng nghĩ, dù có thắp hàng ngàn bó đuốc thì việc tìm ra họ giữa thăm thẳm của đại ngàn cũng rất mong manh…
Xin chúc cô giáo Vàng Thị Ly và các đồng nghiệp vùng cao tiếp tục thành công trong sứ mệnh cao cả của những người hùng cắm bản.
Một ngày nào đó tôi sẽ quay lại Phì Nhừ, rót bát rượu ngô, vốc nắm mây làm mồi nhậu, lâng lâng nằm nghe gió thầm thì nhắc nhớ về kỷ niệm rằng ngày xửa ngày xưa có những người phụ nữ Mông vượt qua luật tục, tự viết cuộc đời và số phận của mình, đó là điều chắc chắn.