Thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm

Là 1 trong những huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025 (Theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ), những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quan Hoá đã chung tay nỗ lực, phấn đấu sớm ra khỏi danh sách huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnhThanh Hoá. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã tập trung giải quyết những thách thức cả về yếu tố tự nhiên và con người bằng những giải pháp đồng bộ và sáng tạo.

leftcenterrightdel
 Mô hình nuôi cá dốc ở Quan Hoá viết nên câu chuyện “trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi”

Thời gian qua, bằng những cách làm hay, sáng tạo Quan Hoá đã trở thành “điểm sáng” trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Từ năm 2021, Huyện ủy Quan Hóa đã ban hành Quy định số 02-QĐ/HU quy định “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo, XDNTM và bài trừ tư tưởng, tập quán lạc hậu trên địa bàn”. Theo Quy định 02, cán bộ, đảng viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phải tự giác báo cáo đầy đủ, trung thực nguyên nhân nghèo và kế hoạch thoát nghèo của gia đình mình với chi bộ đảng và ban công tác mặt trận bản, khu phố (cam kết rõ thời hạn thoát nghèo). Đối với cán bộ, đảng viên thuộc hộ có mức sống khá trở lên tự giác đăng ký, cam kết nhận giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ có thu nhập thấp hơn vươn lên thoát nghèo...

Đặc biệt, huyện đã phân công các đồng chí Huyện ủy viên hàng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế...Ông Hà Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa, cho biết: Quan Hoá là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với hơn 90%. Bên cạnhnhững phong tục, tập quán tốt đẹp, vẫn còn nhiều hủ tục đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống người dân. Đểthay đổi những hủ tục ấy, năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quan Hóa đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm xóa bỏ tư tưởng, tập quán lạc hậu, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân”.

leftcenterrightdel
 Ông Hà Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng tình hưởng ứng, Nghị quyết số 13-NQ/HU đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các DTTS với phương châm nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi. Sau 5 năm triển khai thực hiện, nghị quyết này đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư tưởng, đến tư duy hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Một số tư tưởng, tập quán lạc hậu đã từng bước được khắc phục và dần loại bỏ, một bộ phận nhân dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. 

Từ đó, có những cách làm hay, sáng tạo, tận dụng lợi thế nơi mình sinh sống để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, số hộ nghèo trên địa bàn huyện Quan Hóa đã giảm đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 27,6 triệu đồng, năm 2023 đạt trên 30 triệu đồng, năm 20214 là 34,1 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 33,5%; năm 2022 giảm còn 28,36%; năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm trên 5%; năm 2024 còn 14,7%, vượt mục tiêu đề ra.

Điểm tựa của bản làng

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.494 người có uy tín ở 1.494 thôn, bản, khu phố thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị có xã, thôn miền núi. Những già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các vùng cao biên giới đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển cộng đồng. Họ không chỉ là những người hiểu rõ các tập tục, phong tục, tín ngưỡng của dân tộc mình, mà còn giữ gìn sự đoàn kết và hòa thuận trong khu dân cư. Trong những thời điểm khó khăn, những già làng trưởng bản là người giải quyết các vấn đề phát sinh, hòa giải mâu thuẫn và đưa ra những quyết định quan trọng nhằm ổn định tình hình và bảo vệ sự phát triển bền vững của bản làng. Bản thân họ cũng là nguồn nội lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của vùng cao.

Chia sẻ với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, Thượng tá Thịnh Văn Kiên, Trưởng Ban Vận động quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hoá nhận định: Những tấm gương sáng như bác Cụ Lang Minh Huyến, Chẹo Văn Sụ, Tặng Văn Cấu… nói riêng và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới nói chung là những “cánh tay” đắc lực của Bộ đội Biên phòng, luôn phát huy sức mạnh, là trung tâm đoàn kết toàn dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cũng như giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

leftcenterrightdel
 Già làng Lang Thanh Chuẩn (Bát Mọt, Thường Xuân) cùng bộ đội Biên phòng kiểm tra an ninh khu vực biên giới Bát Mọt

Họ luôn là cây cao bóng cả, là điểm tựa của bản làng. Với kinh nghiệm, vai trò, vốn sống, uy tín của mình, các cụ luôn gương mẫu đi đầu; đồng thời tuyên truyền vận động người thân, dòng họ, cộng đồng dân cư trong việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; chấp hành pháp luật biên giới quốc gia; tham gia vào các nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua của địa phương; góp phần bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững bình yên của bản làng. Nhiều bác còn đăng ký tham gia cùng bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên cột mốc, phát quang đường biên; tích cực tố giác hoạt động của các đối tượng chống phá, tham gia hoà giải những khúc mắc nổi lên trong thôn bản để quy tụ được sức mạnh của các dân tộc trên biên giới. 

“Chúng tôi luôn mong muốn bà con vùng đồng bào mãi mãi khắc ghi lời căn dặn sâu sắc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mong bà con luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin tưởng vào tiền đồ tốt đẹp của dân tộc, không nghe kẻ xấu xúi giục, không làm điều gì ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực sự là những điểm tựa của bản làng”. Thượng tá Kiên nhấn mạnh.

Phát huy nội lực để tạo thành động lực

Theo ông Mai Xuân Bình, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa nhận định: Cùng với phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn nội lực trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các chương trình, chính sách đối với vùng miền này được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, triển khai thực hiện. Trong đó trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền núi. 

Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ III (2019-2024), đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân các dân tộc thiểu số của tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh, qua đó đã tạo động lực mới, khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Kinh tế, xã hội trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 6%/năm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu sốtrong vùng được cải thiện rõ rệt; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư tăng cường và nâng cấp. Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chuyển biến tích cực…

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo 11 huyện miền núi giảm còn 11,04%; Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 14,75%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2023 đạt 39,605 triệu đồng, ước năm 2024 đạt 42,62 triệu đồng/người/năm. Từ trong các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng Nông thôn mới.

Box: Vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa hiện nay có tổng diện tích tự nhiên khoảng gần 8.000km2, chiếm trên 71% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi, với 174 xã, thị trấn/1.548 thôn, bản, khu phố. Toàn vùng có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là: Mường, Kinh, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú, với tổng số dân khoảng 992.692 người (trong đó người dân tộc thiểu số khoảng 701.039 người, chiếm hơn 18% dân số cả tỉnh và hơn 70% dân số toàn miền núi). 

  
Đinh Huê