Mùa vàng trên Suối Tút - Con Dao

Chiều biên giới mùa đông se lạnh, tôi co ro trong chiếc áo khoác dài tìm tới vùng biên ải đất liền là nơi quần tụ sinh sống của cộng đồng người Dao ở bản Con Dao, Suối Tút (xã Quang Chiểu). Đây là 2 bản xa xôi, cách biệt của huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hoá). Những năm gần đây, các già làng, trưởng bản của Con Dao, Suối Tút đã mạnh dạn tiên phong trong việc phát triển kinh tế. Điều đáng quý, khi có thành quả nhất định, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, các trưởng bản đã giúp bà con cùng nhau làm kinh tế.  Điều này không chỉ giúp nâng cao đời sống của từng hộ gia đình mà còn góp phần thay đổi bộ mặt của vùng đất nghèo khó nhất xứ Thanh này.

Con Dao và Suối Tút là 2 bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Quang Chiểu, chỉ cách đây vài năm thôi, mảnh đất này còn được gọi là “3 không”, không điện, không đường, không chợ; đời sống chủ yếu là tự cung tự cấp, thiếu thốn đủ đường, tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 90%. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm trước, giờ bản làng người Dao đã nhiều đổi khác, những nếp nhà sàn khang trang thay cho những ngôi nhà cũ kĩ, sập sệ; những đồi cam Lào phủ vàng; con đường mòn được thay thế bằng tuyếnđường bê tông đã giúp xe ô tô có thể đi vào tận bản. Đầu 2023, người dân vui mừng, phấn khởi hơn khi bản đã được đóng điện lưới quốc gia; đời sống của bà con cũng vì thế mà đổi thay, bức tranh của Con Dao, Suối Tút đã được tô thêm một màu tươi mới. 

leftcenterrightdel
 Đường về 2 bản biên giới xa xôi Con Dao, Suối Tút đã được thảm nhựa.

Sau nhiều năm trồng tập trung, lựa chọn giống phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cây cam Lào đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao trên mảnh đất vùng biên này và trở thành loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao. Ông Tặng Văn Lai (49 tuổi, Trưởng bản Suối Tút) là một trong những người đầu tiên sang Lào mua giống cây cam và học hỏi cách trồng để đem về bản. Ông chia sẻ: Chỉ cách đây ít năm, bản Suối Tút hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo. Đời sống người dân quanh năm trông chờ vào cây lúa, cây ngô. 

Không chấp nhận chịu sống mãi cảnh khốn khó, ông Lai đã quyết tâm tìm cho mình con đường thoát nghèo. Ông Lai tâm sự: “Cách đây 10 năm, sau khi nghiên cứu khí hậu và thổ nhưỡng của bản Piêng Liềng, cụm Sóc Tong,  nơi được coi là “thủ phủ” trồng cam huyện Viêng Xay, nước bạn Lào, cũng là nơi giáp ranh với bản làng mình đang sinh sống. Tôi đã quyết định sang nước bạn học hỏi kinh nghiệm trồng cam. Khi ấy, đường xá đi lại còn muôn vàn khó khăn, tôi đã phải đi bộ 7-8km ra đường lớn rồi mượn xe máy của người quen “xuất ngoại” sang Lào. Sau khi có kiến thức và sự tự tin vợ chồng tôi đã vay mượn tiền mua giống và quyết tâm trồng cam trên khu đồi phía sau nhà.”

Theo chân vợ chồng ông Lai vào đồi hái cam, chúng tôi mới thấy được sự vất vả, kiên trì của họ. Đồi cam của gia đình nằm trên một ngọn núi. Những ngày đầu “khởi nghiệp”, hằng ngày hai vợ chồng ôngcõng phân, đeo gùi lên đồi chăm sóc cam. Vừa chăm sóc cam, ông Lai vừa sốt ruột chờ cây đến ngày đơm hoa, kết trái. Sau 5 năm, vườn cam bắt đầu ra hoa và “chín bói” cho thu hoạch, nhìn những quả cam chín, vỏ mỏng, vị thanh ngọt, ông Lai bắt đầu thở phào nhẹ nhõm. 

leftcenterrightdel
Ông Tặng Văn Lai, Trưởng bản Suối Tút thành công với mô hình trồng cam Lào.
 

Theo ông Lai, vài vụ gần đây khoảng 50% cây cam trong vườn của gia đình ông đã cho quả. Cam Lào được người tiêu dùng ưa thích, chín đến đâu, thương lái thu mua đến đó. Thấy lợi nhuận cao, ông tiếp tục trồng thêm, đến nay gia đình đã có tổng hơn 400 gốc, cho thu nhập ổn định từ 70-80 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập mơ ước của dân bản mà chưa bao giờ họ dám nghĩ tới. Ông Lai cho biết trồng cam Lào, hiệu quả gấp đôi, gấp ba so với trồng ngô, sắn như trước đây.

Còn ở bản Con Dao, cũng như nhiều hộ dân khác, cuộc sống gia đình ông Tặng Văn Cấu (SN 1982), Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, trước đây rất nghèo khó. Nhưng cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện gia đình ông đã có hơn 1ha cam Lào và quýt đường các loại. Nhờ linh hoạt chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam đã mang về cho gia đình ông Cấu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông Cấu còn thu mua tre luồng trên đất rừng sản xuất của các hộ lân cận để cung cấp cho các cơ sở chế biến tăm, hương. 

Người đầu tiên của bản học đại học

Anh Tặng Văn May (29 tuổi), con trai Trưởng bản Con Dao Tặng Văn Cấu là người đầu tiên ở bản đi học đại học. Anh May chia sẻ: “Từ nhỏ, bố tôi đã động viên và tạo mọi điều kiện để cho tôi được học hành tử tế. Từ khi Trung học, đều đặn hàng tuần, không kể  trời nắng hay mưa, bố không ngại khổ đưa tôi ra thị trấn học trường Nội trú. Đến khi học đại học, tôi tự đi xe máy ra đường lớn để bắt xe ô tô ra trường. Những ngày mưa, đường ngày đó rất lầy lội, tôi phải đi bộ gần chục km. Nhưng nhớ lời bố dạy, tôi quyết tâm không bỏ cuộc.” 

Sau khi anh May học Đại học, bản con Dao cũng đã có thêm nhiều bạn trẻ noi theo vào đại học. Không chỉ kiên trì tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích và tầm quan trọng của việc học hành; thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng hay họp bản, họp chi bộ, ông Tặng Văn Cấu còn lồng ghép nội dung nói về tác hại của tảo hôn, tuyên truyền những quyền lợi của các em gái khi được học hành, phát triển và kết hôn khi đủ tuổi. Và để người dân tin theo, với uy tín của một Trưởng Bản, Bí thư Chi bộ, ông Cấu đã tiên phong trong việc cho con cái học hành, kết hôn khi đủ tuổi.

Ông Cấu cho biết: Cách đây 7-8 năm, ở bản người Dao này vẫn còn tồn tại nạn tảo hôn. Những bé trai, bé gái mới bước qua tuổi thiếu niên 13, 14 tuổi đã bị bố mẹ cưới gả. Nhưng nhờ công tác tuyên truyền của cán bộ xã, thôn, từ năm 2017 tới nay tình trạng này đã chấm dứt ở ngôi bản này. Đó là tín hiệu đáng mừng.

“Hiện nay còn một việc mà cả tôi và bố đang ấp ủ một mong muốn xoá bỏ hủ tục đã ăn sâu, bám dễ rất ở bản. Đó là việc hủ tục khi ăn cơm, người con dâu phải ngồi xổm trước mặt bố chồng, không bao giờ được ngồi ghế. Sau này, khi tôi lấy vợ, tôi sẽ không bắt vợ mình phải làm vậy, rất thiệt thòi cho những người phụ nữ.”, anh May trăn trở.

Học theo những gì Trưởng bản nói và làm

Từ những việc làm thực tế và tiên phong đem lại hiệu quả, cùng với sự tôn trọng và tin tưởng từ cộng đồng đối với Trưởng bản Tặng Văn Cấu và Tặng Văn Lai, người dân trong các bản đã nghe và làm theo. Từ đó, các phong trào xóa bỏ hủ tục lạc hậu diễn ra mạnh mẽ; người dân cũng đã nhận thức rõ hơn về những tác động tiêu cực của hủ tục xưa, từ đó mà dần loại bỏ trong đời sống xã hội.

Trong phát triển kinh tế, ông Lai, ông Cấu đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng câycam Lào, giúp cho phong trào trồng cam thoát nghèo nở rộ ở 2 bản. Theo bà con nơi đây, họ thấy Trưởng bản thành công, làm kinh tế có hiệu quả, cuộc sống dần khấm khá nên cũng học hỏi để trồng cây cam Lào hướng tới thoát nghèo. Nhờ vậy, chỉ trong vòng không đến 10 năm, chỉ riêng 2 bản Con Dao, Suối Tút đã có tổng diện tích khoảng 20ha. Trong đó, gần 10ha đã cho thu hái quả, còn lại là những cây đang trong độ tuổi từ 1 - 3 năm. Do thay đổi tư duy sản xuất, tập quán canh tác nên nhiều hộ dân trong bản đã xóa được nghèo, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

leftcenterrightdel
 Ông Tặng Văn Cấu, Trưởng bản Con Dao đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Ông Tặng Văn Cấu, Trưởng bản Con Dao chia sẻ: Cũng nhờ mô hình trồng cây Cam Lào mà gia đình tôi cũng đỡ khó khăn, thiếu thốn. Để nói đến thoát nghèo thực sực và làm giàu thì chưa phải, còn phải nỗ lực nhiều hơn; nhưng mình là Trưởng bản nên muốn nêu gương, tôi đã làm đơn ra khỏi hộ nghèo, một mặt lấy đó làm động lực phấn đấu để hết nghèo thực sự; mặt khác để bà con trong bản noi theo.

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Vi Văn Hiện, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết: Nhờ có những trưởng bản năng động, nhiệt tình, uy tín đã góp phần giúp bản làng thay đổi rất nhiều. Chỉ cách đây ít năm, đồng bào dân tộc Dao sống ở 2 bản Suối Tút và Con Dao 100% là hộ nghèo, thì đến nay (cuối năm 2024), nhờ sự nỗ lực của chính quyền, sự vươn lên của bà con,  đến nay 2 bản chỉ còn 9/81 hộ nghèo. Từ những tấm gương tiên phong của người có uy tín như ông Sinh, ông Cấu mà những năm gần đây bà con trong 2 bản mới biết làm kinh tế, nhờ đó phong trào giảm nghèo ở địa phương trở nên phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, gần đây toàn xã có tới hơn 60 lá đơn gửi lên xã xin được ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đó là tín hiệu rất đáng mừng.

Đinh Huê