Trước kia tôi làm kế toán cho một công ty cổ phần, thu nhập hàng tháng đủ để tôi lo những chi tiêu cơ bản trong gia đình như tiền học của con, tiền sinh hoạt phí của gia đình. Nhưng từ khi chồng tôi chuyển sang làm kỹ sư cho một công ty cơ khí liên doanh với Nhật, thì tôi phải chuyển sang một công ty nhỏ hơn, thu nhập thấp hơn nhưng có nhiều thời gian cho gia đình.
 
 
Bản thân tôi cũng nghĩ nếu mình có điều kiện thì việc quan tâm đến bố mẹ hay giúp đỡ anh, chị em là điều nên làm.Tuy nhiên, điều khiến tôi băn khoăn chính là việc dường như anh chỉ quan tâm đến nhà nội mà không có chút đoái hoài gì đến nhà ngoại. Trước kia, khi thu nhập của tôi còn cao, mỗi lần muốn mua gì tặng bố mẹ tôi đều hỏi qua ý kiến của anh. Lúc đó anh thường bảo: Tùy em. Còn bây giờ, anh thường tỏ thái độ không thoải mái hoặc tìm lý do để trì hoãn, thoái thác. Tôi định mua cho bố mẹ cái máy matxa thì anh bảo “quảng cáo vớ vẩn, tin làm gì”, muốn mua bộ sản phẩm thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe cho ông bà, anh cho rằng: bọn nó lừa đảo, không có tác dụng gì mà giá lại cắt cổ.
 
Thậm chí, anh còn trở lên keo kiệt đến độ, đến nhà bố mẹ vợ ăn cơm, nếu tôi muốn mua ít hoa quả hay bánh trái ngon anh đều cho rằng “lãng phí”.
 
Mỗi lần như vậy, nước mắt tôi chỉ chực trào ra.Tôi không tiếc gì với gia đình anh. Cái gì có khả năng làm, tôi đều cố gắng, trước kia thế, bây giờ cũng vậy. Nhưng anh thì ngược lại. Bố mẹ tôi đã có tuổi, nhà lại chỉ có 2 cô con gái, đều đã có gia đình riêng. Em gái tôi sống cùng bố mẹ nhưng kinh tế khó khăn nên tôi cũng muốn quan tâm chăm sóc bố mẹ nhiều hơn để đỡ gánh nặng cho em. Bố mẹ tôi chỉ là công nhân viên chức bình thường, cũng không giàu có gì. Cả đời ky cóp mua được mảnh đất thì đã cho 2 vợ chồng tôi xây nhà. Thi thoảng được họ hàng ở quê cho vài món “cây nhà lá vườn”, ít thì gọi vợ chồng tôi sang ăn, nhiều thì lại san sẻ cho mang về.
 
Trước kia, hàng tháng khi lĩnh lương, anh giữ lại một phần để tiêu còn lại đưa tôi và cũng không bao giờ hỏi tiêu vào việc gì. Bây giờ, khi kinh tế phụ thuộc vào anh, mỗi lần tôi hỏi anh tiền thì anh lại càu nhàu: Em tiêu gì mà khiếp thế, phải biết tiết kiệm chứ! Thế nên mặc dù cầm tiền trong tay, tôi cũng không dám tự ý mua món nọ, thức kia biếu bố mẹ, đành chọn cách chi tiêu dè sẻn những khoản cá nhân để dành đồng lương ít ỏi cho những khoản đó.
 
Nhiều khi tôi cảm thấy tủi thân và thương bố mẹ mình, lúc nào cũng vì con, vì cháu nhưng những gì nhận được thì thật nhạt nhẽo. Tôi cũng không dám nói thẳng với anh về sự “bất công” trong cách hành xử của anh vì giờ kinh tế gia đình phụ thuộc vào anh, mà nói ra thì gia đình lại càng căng thẳng, nhất là đây cũng là 1 vấn đề tế nhị. Có lúc tôi muốn chuyển sang 1 công ty khác có mức thu nhập cao hơn nhưng lại thương con, cháu thứ 2 còn quá bé, cháu lớn thì không có người đưa đón. Phụ nữ muốn vừa kiếm nhiều tiền vừa lo chu toàn gia đình sao khó quá.
 
Theo Vietnamnet
.