Nhiều nạn nhân “sập bẫy”
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long rộ lên dịch vụ cho vay “tín dụng đen”. Những đối tượng cầm đầu đường dây này tìm kiếm khách hàng bằng thủ đoạn “mồi chài” với những lời mật ngọt như: cho vay lãi suất thấp khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin “sập bẫy”. Sau thời gian hoạt động, dịch vụ này đã khiến rất nhiều nạn nhân phải sống trong cảnh khổ sở, tan nát nhà cửa vì lãi suất “cắt cổ”. Không có khả năng chi trả, các nạn nhân bị các đối tượng phía sau đường dây cưỡng đoạt tài sản, hành hung.
|
|
Một số đối tượng cho vay theo hình thức “tín dụng đen” bị Công an TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) bắt giữ |
Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, trên địa bàn tỉnh có hơn 20 đối tượng hoạt động cho vay “tín dụng đen”. Các đối tượng hoạt động riêng lẻ từng nhóm hoặc lấy danh nghĩa là các công ty. Nhiều nạn nhân tại xã Trường An (TP. Vĩnh Long) trót vay tiền, đến hạn chưa kịp trả liền bị các đối tượng trên kéo đến nhà đe dọa, đánh đập. Nhiều người lo sợ phải bỏ trốn đi nơi khác sinh sống.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Hồng Thanh (35 tuổi, ngụ xã Trường An), một nạn nhân trót vay tiền theo hình thức “tín dụng đen” cho biết: “Trong một lần đi trên đường, tôi vô tình nhặt được tờ rơi nội dung cho vay tiền không cần thế chấp, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần tiền để trang trải cuộc sống, sau khi về nhà, tôi đã chủ động liên hệ với người tên Mai Đình Bình (24 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hoá) theo số điện thoại được ghi trên tờ rơi”.
Theo chị Thanh, sau khi gặp gỡ, Bình đồng ý cho chị vay số tiền 3 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận góp trong 24 ngày, mỗi ngày 150.000 đồng, với lãi suất 31%. Khi cho vay, Bình chỉ đưa 2.850.000 đồng, còn 150.000 đồng trừ trực tiếp vào “chi phí hồ sơ”. Quá trình góp tiền, chị Thanh không đủ tiền trả theo ngày thì bị đối tượng đe dọa, đánh đập.
Tương tự, chị Võ Thị Hồng Vân (cùng ngụ xã Trường An) vay của đối tượng Lê Tuấn Việt (28 tuổi, ngụ TP. Hà Nội) 5 triệu đồng, góp trong 43 ngày, mỗi ngày 150.000 đồng, lãi suất 27%. Khi đưa tiền, Việt giữ lại 500.000 đồng trừ “chi phí hồ sơ”. Do số tiền lãi quá cao, không kịp thời chi trả, chị Vân nhiều lần bị chủ nợ đe dọa, thậm chí kéo đến nhà đánh đập và “khủng bố” tinh thần.
Thủ đoạn tinh vi
Liên quan đến các vụ việc nói trên, trao đổi với PV, Đại tá Phạm Văn Ngân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Để tìm kiếm được khách hàng, các đối tượng trong đường dây cho vay “tín dụng đen” in nhiều tờ rơi, quảng cáo dán ở khắp mọi nơi. Chúng mồi chài bằng những lời mật ngọt cho vay không cần thế chấp, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản nhận tiền ngay. Thậm chí, để đạt được mục đích, các đối tượng đến tận nhà người dân để mồi chài, đưa ra những lời môi giới hấp dẫn khiến nhiều nạn nhân bị “sập bẫy”. Trước mức lãi “cắt cổ”, nhiều người sau một thời gian không có khả năng chi trả đã bị chúng hành hung, cưỡng đoạt tài sản”.
Theo Cơ quan điều tra, trên địa bàn thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), gần đây xuất hiện hàng loạt đối tượng phát tờ rơi và hoạt động cho vay tiền cũng theo hình thức “tín dụng đen”. Những đối tượng này hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhưng thuê nhà tại khu dân cư 586 (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) để sinh sống. Các đối tượng tiếp cận người cần vay tiền, thoả thuận lãi suất rồi làm hợp đồng cầm cố hoặc mua bán xe máy. Sau đó, những người cần vay tiền sẽ làm thủ tục thuê lại phương tiện để hợp thức hoá việc cho vay tiền. Vừa qua, Công an TP. Cần Thơ đã rà soát, xử lý và bắt giữ nhiều đối tượng có biểu hiện hoặc có hoạt động cho vay nặng lãi.
Công an huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cũng vừa lập hồ sơ xử lý đối với đối tượng Nguyễn Thế Hiếu (23 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hoá) về hành vi cho vay “tín dụng đen”. Người vay tiền chủ yếu là các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Khi cho vay, Hiếu chỉ yêu cầu khách hàng đưa CMND, sổ hộ khẩu là có thể vay từ 3 - 5 triệu đồng. Khi giao tiền, Hiếu đều trích lại 150.000 - 250.000 đồng tiền “cà phê, xăng xe”. Đây cũng là một trong những phương thức hoạt động phổ biến của các nhóm cho vay “tín dụng đen” đến từ các tỉnh, thành phía Bắc.
Trung tá Nguyễn Quang Vinh, Đội trưởng Đội Hình sự Công an TP. Long Xuyên cho biết: “Để đối phó với ngành chức năng, hiện nay, các đối tượng cho vay “tín dụng đen” không trực tiếp thuê nhà, tạm trú tại địa bàn hoạt động và thường xuyên thay đổi chỗ ở. Các đối tượng làm biên nhận nợ hoặc hợp đồng mua bán xe với người vay tiền rồi cho thuê lại phương tiện. Người vay 5 triệu đồng thì trả 6,2 triệu đồng, trong 30 ngày. Nhưng thực tế, người vay chỉ nhận được từ 4,6 - 4,8 triệu đồng. Số tiền còn lại, các đối tượng đưa ra lý do trừ vào “chi phí hồ sơ” từ 200.000 - 400.000 đồng, tuỳ theo số tiền vay”.
“Có người trả được 15 ngày thì đáo hạn vay lại. Nhiều trường hợp, chỉ vay vài triệu đồng nhưng đáo hạn đến 7-8 lần, cộng dồn tiền lãi trả mãi vẫn không hết nợ. Qua nhiều vụ việc cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng khai công ty có trụ sở tại TP.HCM hoặc TP.Cần Thơ. Hàng ngày, các đối tượng đến thu tiền và ra về trong ngày chứ không lưu trú hoặc tạm trú tại tỉnh An Giang”, Trung tá Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm.
Việt Hoa