Sau khi Báo Bảo vệ pháp luật đăng tải tuyến bài: “Kinh doanh hàng giả nhãn hiệu: Shop Trần Ngọc Hằng liên tục bị xử lý”; “Công an vào cuộc kiểm tra, xử lý Shop Trần Ngọc Hằng bán hàng giả, không rõ nguồn gốc”, chủ shop này đã lên tiếng thừa nhận bán hàng mà không cần hóa đơn chứng từ, làm dấy lên nghi vấn về nguồn gốc hàng hóa và dấu hiệu trốn thuế.
Theo đó, tại buổi livestream trên các tài khoản Facebook của Shop Trần Ngọc Hằng thu hút hàng nghìn lượt xem, bà Hằng thừa nhận shop mình bán hàng Quảng Châu (Trung Quốc) không có hóa đơn, chứng từ.
“Mình bán đồ không có hoá đơn, chứng từ là mình chấp nhận, tại vì hàng mình mua seo (sale) chứ mình có sản xuất đâu. Tui (tôi) đâu có sản xuất đâu mà tui (tôi) có hóa đơn mọi người? Em nhập của người ta về em bán, làm gì có hóa đơn mọi người. Em khẳng định luôn…”, bà Hằng nhấn mạnh.
|
|
Shop Trần Ngọc Hằng livestream thừa nhận shop mình bán hàng Quảng Châu (Trung Quốc) không có hóa đơn, chứng từ. |
Thừa nhận hàng không hóa đơn, chứng từ: Sai phạm rõ ràng!
Việc Shop Trần Ngọc Hằng công khai thừa nhận bán hàng không hóa đơn càng làm tăng nghi vấn rằng nguồn hàng không được nhập khẩu chính ngạch. Điều này đặt ra vấn đề lớn về chất lượng, an toàn của sản phẩm và trách nhiệm của chủ shop đối với quyền lợi người tiêu dùng.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Pháp luật đưa ra quy định về “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” tại khoản 13 Điều 3 của Nghị định này, phản ánh các trường hợp liên quan đến hàng hóa không có chứng từ hợp lệ về nguồn gốc.
Tùy theo mức độ của hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi kinh doanh hàng giả hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị xử lý bằng hình thức xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt vi phạm hành chính: Mức phạt cao nhất trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức (khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
|
|
Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện Shop Trần Ngọc Hằng liên tục bán hàng không có hóa đơn, chứng từ. (Ảnh: Cục QLTT An Giang). |
Trong trường hợp liên quan đến hành vi buôn bán hàng giả hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có thể áp dụng các mức phạt vi phạm hành chính cho các hành vi sau: Buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa (Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 7 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP);
Vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP); Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP)…
Xử lý hình sự: Truy cứu về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192, Điều 193, Điều 194, Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tùy thuộc từng trường hợp mà cá nhân có thể bị phạt tiền đến 1 tỉ đồng, phạt tù chung thân; pháp nhân có thể bị phạt tiền đến 15 tỉ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 3 năm. Có thể thấy, đây là mức phạt tương đối cao dành cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Truy cứu về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, cá nhân có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm, phạt tù đến 3 năm; pháp nhân có thể bị phạt đến 5 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 2 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn đến 3 năm.
Truy cứu về tội lừa dối khách hàng tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 với nội dung quy định “người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác...”.
Cần truy xuất nguồn hàng của Shop Trần Ngọc Hằng
Luật sư Tú cũng dẫn chứng, hiện nay, cơ sở kinh doanh online hoạt động trên cơ chế chốt đơn trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội rồi thông qua hình thức ship COD, tiến hành giao hàng, nhận tiền qua bưu điện và các công ty giao nhận. Điều này gây khó khăn trong việc phát hiện và truy thu thuế theo quy định pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì đối với hành vi mua bán hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… Trường hợp hàng hóa không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
|
|
Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa của Shop Trần Ngọc Hằng để tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật. |
Theo đó, hàng hóa Quảng Châu (Trung Quốc) nhập khẩu vào thị trường Việt Nam để thông quan cần chuẩn bị bộ chứng từ thông quan hợp lệ, bao gồm: Hợp đồng thương mại, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, vận tải đơn, giấy chứng nhận xuất xứ, các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan…
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng có quyền được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh.
“Do vậy, hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ là vi phạm pháp luật và phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết đối với trường hợp của Shop Trần Ngọc Hằng”, luật sư Tú nêu quan điểm.
Bán hàng không hoá đơn, kê khai thuế thế nào?
Việc không cung cấp hóa đơn không chỉ gây thiệt hại cho người mua mà còn có thể là dấu hiệu trốn thuế, làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, hành vi kinh doanh không kê khai, không xuất hóa đơn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm.
Trốn thuế dưới hình thức không xuất hóa đơn là hành vi phổ biến ở các doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, chủ kinh doanh có thể đối mặt với các mức phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, hoặc truy cứu hình sự nếu số tiền trốn thuế lớn.
Ngoài ra, việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có chứng từ còn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật về buôn lậu. Nếu phát hiện sai phạm, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh để tạo tính răn đe, đồng thời bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.
|
|
Luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn luật sư TP HCM). |
Liên quan đến nội dung này, luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn luật sư TP HCM) nêu rõ: Các hành vi trốn thuế được quy định cụ thể tại Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt.
Cụ thể, xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, mức phạt sẽ được dựa trên số tiền đã trốn thuế. Đồng thời, hành vi này sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.
Truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi trốn thuế sẽ bị xử phạt theo Điều 200 BLHS 2015 với mức phạt tối đa lên đến 3 năm đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cũng theo các luật sư, việc kinh doanh thời trang Quảng Châu đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh phải tuân thủ pháp luật, từ việc chứng minh nguồn gốc hàng hóa đến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Shop Trần Ngọc Hằng cần sớm có câu trả lời rõ ràng về những phản ánh trên, đồng thời nhanh chóng điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh các hệ lụy pháp lý nghiêm trọng. Trong khi đó, người tiêu dùng cần cảnh giác, yêu cầu hóa đơn và kiểm tra kỹ sản phẩm để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Dấu hiệu nhận biết hành vi trốn thuế
Luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn luật sư TP HCM) cho hay, các cơ sở kinh doanh online có thể trốn thuế bằng nhiều hình thức khác nhau. Một số dấu hiệu có thể nhận biết gồm: - Không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp lệ chứng minh xuất xứ hàng hóa;
- Không lập hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn được lập không ghi đầy đủ, ghi sai thông tin theo quy định;
- Trang bán hàng đăng tải nhiều nội dung không liên quan, các phiên live có số lượng view khủng nhưng bị tạm ẩn, xóa ngay sau khi kết thúc livestream;
- Không kê khai hoặc kê khai sai lệch doanh thu;
- Sử dụng hình thức thanh toán không minh bạch, như: ưu tiên giao dịch bằng tiền mặt hoặc các ví điện tử, không công khai tài khoản ngân hàng, sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng nhận thanh toán, khi chuyển khoản yêu cầu không cần ghi nội dung giao dịch hoặc yêu cầu ghi chú nội dung chuyển khoản không rõ ràng, không đúng với bản chất giao dịch thực tế…/.
|