Ông Lê Văn Thà, Xã Đội trưởng, xã Tân Trường, người dẫn đường nói “từ UBND xã lên bản Đồng Lách khoảng 8km thôi, nhưng cũng mất trên một tiếng mới đến nơi, đường xấu, dốc cua tay áo, độ cao dốc núi về bản cách mặt biển khoảng chừng 300 - 400m”...
|
|
Ông Ngân Văn Cường, Trưởng bản "Đồng Lách xuân này vui hơn xuân trước...". |
Đang nói chuyện, ông Thà bỗng dưng rồ máy và nói “anh xuống xe, đoạn đường này trơn, phải dùng chân hỗ trợ cho xe lên…”. Bản Đồng Lách lộ dần trong thung lũng với màu vàng đục ngầu của nước, màu xanh của đồng ruộng, bản nhỏ này được núi đá vôi bao quanh và chỉ có con đường độc đạo mà chúng tôi vừa đi qua.
|
|
Ngoằn nghèo đường lên bản |
Trưa về, Đồng Lách khá nhộn nhịp, một vài tiểu thương người miền xuôi cùng theo đường mòn lên đây bán thực phẩm và quần áo tết. Mấy chị lùa đàn dê lên núi đá, ngoài đồng bầy trâu, bò gầy rộc đang gặm cỏ, bầy gà của ai đó gáy gạ nhau ầm ĩ trong rừng, nhà nào cũng có cây đào chớm nở chờ xuân, dăm cháu uể oải vượt quảng đường dài để trở về với bản sau buổi học...
|
|
Nhà Văn hóa bản Đồng Lách... |
Ông Ngân Văn Cường, trưởng thôn tâm sự: từ năm 2006 Đồng Lách được quy hoạch đô thị Nghi Sơn nhưng mãi đến tháng 4/2016 mới có điện sáng. Cuối năm 2015, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện về thăm, thấy dân bản mù thông tin, ông đã trích thu nhập cá nhân ủng hộ bản một máy phát điện, bộ âm li, 2 loa, một ti vi Sam Sung và 12 triệu đồng để mua xăng chạy mấy nổ trong một năm chờ điện. Thời gian này cả bản tập trung về nhà văn hóa cùng xem ti vi vui lắm. Sau một năm thì điện lưới đã về, nhiều hộ mua ti vi. Bản có một ti vi nữa do ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về vấn đề xã hội tặng hiện giao cho bà cụ cao tuổi giữ, nhưng gần 2 năm nay chưa cắm điện. (PV) – Đồ điện tử, nếu không sử dụng sẽ hỏng mất. - “Vậy mà chúng tôi không biết, bà cụ cất ti vi trong xó nhà vì sợ mất, tài sản của bản mà” - ông Cường nói.
Quan sát, chúng tôi thấy chuồng trâu nằm sát trường tiểu học, môi trường sân chơi của trẻ và nhà văn hóa thôn nhiều phân dê, trâu, bò nhưng ông Cường tỏ ra “bình thường”, nói: Toàn bản có khoảng 300 con gia súc, mùa rét thế này các hộ không quan tâm đến bảo vệ chúng đâu mặc dù đã được tuyên truyền qua loa đài. Đồng Lách có 90/120 hộ nghèo, trong đó có 2 hộ là người dân tộc khác, còn lại là người Thái, có 36 cháu đang học mầm non, 60 cháu học tiểu học tại bản. Từ lớp 5 trở lên thì các cháu học ở trung tâm xã. Các cháu đi bộ hàng ngày vất vả lắm. Năm 2016 mới có cháu Vị Thị Hồng trúng tuyển vào Đại học đã làm rạng rỡ cả bản. Bản có đền Bà Chúa Lách linh thiêng lắm, ngày chính lễ vào mùng một tết, nhà nào cũng có mâm cơm cúng Bà, sau đó hạ lễ mời khách thập phương cùng ăn. Mấy năm trở lại đây Đồng Lách có nhiều lao động đi làm cho công ty nên thu nhập cao, song để làm được nhà ở kiên cố thì phải mua vật liệu giá gấp 2 lần giá thị trường vì đường lên bản khó khăn. Trước kia nguồn nước về bản trong xanh, nhưng vài năm trở lại đây thì nước đục ngầu bởi Công ty xi măng Công Thanh khai thác mỏ xéc măng tin đầu nguồn. Mỗi khi mưa xuống thì đất, cát đổ về hai đập sinh thủy của bản, tốc độ này, ước chừng vài năm nữa hai đập nước này sẽ cạn, theo đó 15ha đất lúa 2 vụ sẽ không thể cấy được lúa. Mỗi lần họp cử tri chúng tôi đã phản ánh nhưng nước đầu nguồn chảy về vẫn đục…
|
|
Trại gà, vịt của ông Luân, mỗi năm xuất bán hàng tấn thực phẩm sạch về miền biển |
Ông Vi Văn Luân (Sinh năm 1984) cho biết: Đồng Lách người đi học hệ THPT phải đếm trên đầu ngón tay. Ngày ông đi học THPT, gia đình phải bán 13 con bò để cho ông ở trọ, sau đó ông học trung cấp thú ý rồi về làm trưởng bản từ năm 2010 đến cuối năm 2016. Do lợi thế gần đập nước, vợ chồng ông phát triển đàn gia cầm. Ngày 20 tết năm 2016 cả đàn gà 400 con (khoảng 1 tấn) lăn đùng ra chết. Vì, ông bận việc của thôn không có thời gian tiêm phòng. Năm nay vợ chồng ông nuôi 300 còn gà đã 7 tháng tuổi để bán vào dịp tết và nuôi thêm 600 con gà đã 2 tháng tuổi để thay đàn. Nuôi gần 700 con vịt (trong đó có trên 60 vịt đẻ), dự tính mỗi năm ông phải thu nhập trên trăm triệu đồng…(PV) – Sao anh không phổ biến cho nhiều hộ cùng nuôi để xây dựng thị trường thực phẩm sạch ?. “Tôi đã vận động và hướng dẫn nhưng họ chờ chính sách hỗ trợ từ cấp trên thôi”. (PV) - Sao anh không là trưởng bản nữa ? – Phiếu tôi thấp hơn phiếu của anh Cường, không làm trưởng bản thì có nhiều thời gian làm giầu. – ông Luân cười nói.
Ông Nguyễn Ngọc Bê, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tân Trường có bản Tam Sơn và Đồng Lách được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Để Đồng Lách trở thành điểm du lịch sinh thái, đầu tiên phải làm đường lên bản. Hai là Công ty Công Thanh phải chịu trách nhiệm với nguồn nước do khai thác mỏ đất đầu nguồn. Còn nhân dân phải cố gắng và dần bỏ tính chờ hỗ trợ từ cấp trên, đồng thời khôi phục lại văn hóa truyền thống người Thái và xây dựng môi trường xanh, sạch…