Trong giai đoạn 2018-2022, huyện Quan Sơn đã rà soát, bố trí quỹ đất để sắp xếp ổn định dân cư cho các hộ dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét theo Quyết định số 4845/QĐ-UBND ngày 1-12-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. 

Theo đó, trên địa bàn huyện triển khai thực hiện 5 khu tái định cư (TĐC) tập trung bố trí cho 276 hộ; 8 khu TĐC liền kề bố trí cho 291 hộ và quy hoạch bố trí TĐC xen ghép cho 417 hộ, bố trí ổn định tại chỗ cho 18 hộ ở vùng có nguy cơ thiên tai.

Hiện có 2 khu TĐC tập trung theo hình thức đầu tư khẩn cấp đã hoàn thành, giúp  87 hộ dân ổn định cuộc sống. Trong đó, khu TĐC Sa Ná, xã Na Mèo với diện tích 5,3 ha, tổng mức đầu tư 43,5 tỉ đồng và 1,048 tỉ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng. Có lẽ, người dân cả nước còn nhớ như in và không khỏi xót xa khi nhớ lại những ngày cơn bão lịch sử năm 2019 đi qua xóa sổ bản Sa Ná, để lại cảnh hoang tàn, đổ nát, chỉ còn những cây đổ, nhà trôi... Người dân bản vốn đã nghèo, lúc ấy càng trở nên cơ cực.

Giờ đây, Sa Ná đã được thay thế bằng màu xanh của những ngôi nhà đã quét ve, cánh đồng rau sạch, vườn cây ăn quả đang đến độ sinh trưởng…Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc BQL dự án huyện Quan Sơn cho biết: Lúc ấy, cả hệ thống chính trị của huyện Quan Sơn đã ngay lập tức vào cuộc với quyết tâm “xây lại bằng mười”. Bằng mọi giá, phải sớm ổn định cuộc sống cho bà con. Bản thân ông là Chỉ huy trưởng trên đại công trường xây dựng ấy.

“Chúng tôi đã đặt “đại bản doanh” tại Sa Ná. Trong suốt thời gian 3 tháng thi công ròng rã, tất cả công nhân, xe, máy đã làm việc hết công suất, không chia ca, chia giờ. Đói thì ăn, mệt thì ngủ tại trận. Thi công liên tục bất kể ngày đêm với hàng trăm xe, máy trên công trường. Chính vì thế chỉ sau 3 tháng, người dân Sa Ná đã có thể định cư ở nơi mới khang trang, an toàn.”- ông Minh nói.

Bên cạnh đó là Khu TĐC Co Hương, xã Tam Thanh có diện tích 2,1 ha, có tổng mức đầu tư 12,806 tỉ đồng và 966 triệu đồng kinh phí giải phóng mặt bằng. Hiện người dân ở khu Co Hương đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà cửa và công trình phụ trợ.

Các khu TĐC còn lại đã được quy hoạch và đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo phương án tái định cư, huyện Quan Sơn có 596 hộ cần được bố trí tập trung và 417 hộ cần bố trí xen ghép. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 87 hộ được bố trí tập trung và 72 hộ bố trí TĐC xen ghép.

leftcenterrightdel
 Khu tái định cư Sa Ná, xã Na Mèo hoàn thiện giúp bà con dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống.

Theo lãnh đạo huyện Quan Sơn, trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, địa phương đã gặp một số khó khăn do vướng mắc nhiều quy định, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình TĐC thường phát sinh các yếu tố đột xuất, bất ngờ. Ngoài ra, tiến độ thực hiện hỗ trợ sắp xếp dân cư còn chậm, giải ngân hỗ trợ còn thấp so với kế hoạch giao; hỗ trợ hộ di dời, cải tạo, chỉnh trang tại chỗ là chưa có. Trong khi đó, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì vậy, có nhiều hộ dân đã phải di chuyển khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí…

Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 2 khu TĐC tập trung đang được triển khai các bước đầu tư xây dựng, gồm: Khu TĐC bản Yên, xã Mường Mìn với diện tích 5ha bố trí đất ở cho 49 hộ và khu TĐC khu Pom Dụng, bản Mìn, Luốc Làu, xã Mường Mìn với diện tích 5,29 ha, bố trí đất ở cho 81 hộ. Cả hai khu TĐC này với định mức hỗ trợ 300 triệu đồng/hộ. Huyện Quan Sơn cho rằng, so với nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ người dân đến sinh sống, sản xuất và hướng đến xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới thì còn thiếu nguồn vốn rất lớn.        

Từ những khó khăn trên, huyện Quan Sơn đã kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương có liên quan sớm bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhất là hỗ trợ xây dựng các khu TĐC tập trung và đầu tư các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng khác.

Đồng thời, huyện Kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm trình phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn để thực hiện triển khai các dự án TĐC đã được phê duyệt; xem xét tăng mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu TĐC lên mức 500 triệu đồng/hộ; nâng cấp hệ thống công trình cấp nước; có chính sách hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất đối với các hộ thực hiện di dời đến nơi ở mới...

Mới đây, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có cuộc giám sát việc thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn miền núi giai đoạn 2018-2022 tại huyện Quan Sơn. Nhiều ý kiến cũng đồng tình với kiến nghị của huyện Quan Sơn về nâng định mức hỗ trợ xây dựng khu tái định cư. Bởi định mức hiện tại là 300 triệu đồng/hộ, áp dụng ở huyện Quan Sơn là rất khó khăn, do các khu TĐC ở xa trung tâm, giao thông khó khăn, giá vật liệu leo thang…

Đại diện các ban, ngành và các thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng đã phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vương mắc, tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai tại huyện Quan Sơn trong thời gian qua. Đồng thời đóng góp, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

 

Bảo Châu