Một dây chuyền máy móc cũ kỹ có giá thực chỉ 400.000 USD, ông lớn nước ngoài đưa vào Việt Nam nâng khống lên tận 40 lần thành 16 triệu USD. Chiêu chuyển giá này còn trắng trợn hơn cả phi vụ chuyển giá ngàn tỷ của Keangnam Vina.
 
20 năm báo lỗ, vẫn không ngừng tăng trưởng
 
Không nổi tiếng đình đám, dính nhiều scandal như Keangnam Vina nhưng các chuyên gia kinh tế coi đại gia FDI dưới đây vượt mặt gấp bội về mức độ chuyển giá.
 
Tập đoàn bất động sản xứ Hàn chỉ mới có 5 năm báo lỗ thì ông lớn Liên doanh Malaysia- Đài Loan- British Virgin Island này đã có thâm niên báo lỗ ở Việt Nam tới gần 20 năm.
 
Nếu như giá vốn xây dựng của Tập đoàn Keangnam Vina bị nâng khống thêm gần 1/5 lần so với giá vốn thực thì ở vụ việc của doanh nghiệp FDI này, tỷ lệ nâng không lên giá vốn lên tới 40 lần.
 
Tổng giá trị bị điều chỉnh sau thanh tra đối với doanh nghiệp này ngang ngửa vụ Keangnam Vina, xấp xỉ 70 triệu USD.
 
 
Đặc biệt, công ty này đã hô biến trên sổ sách từ dây chuyền máy móc chỉ đáng tầm… phế thải thành hàng xịn. Từ đó, nâng khống giá nhập rồi lại lấy cớ không dùng đến, đem thanh lý với giá rẻ mạt. Không chỉ vi phạm về thuế, hành vi của công ty còn kéo theo hệ lụy về môi trường cho Việt Nam.
 
Đó là câu chuyện của công ty Hualon Corporation, vốn 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan-British Virgin Island, hiện đang hoạt động tại Khu Công Nghiệp Nhơn Trạch 2 (Nhơn Trạch, Đồng Nai) chuyên về sản xuất sợi và dệt vải.
 
Với giấy phép đầu tư được cấp ngày 30/12/1993, công ty thuộc thế hệ FDI đầu tiên vào Việt Nam. Điều kỳ lạ là liên tục gần 20 năm, Hualon liên tục báo lỗ. Tính đến cuối năm 2010, công ty này đã lỗ lũy kế tới hơn 1.000 tỷ đồng. Nghiễm nhiên, DN này đã không phải nộp thuế thu nhập cũng trong từng ấy năm.
 
Lỗ vẫn mở rộng sản xuất liên tục. Truy cập vào trang web tự giới thiệu, Hualon cho biết, năm 1995, đã thành lập xưởng Knitting với 112 máy dệt kim, năm 1996, thành lập xưởng Draw Textured Yan với 124 máy kéo, đến năm 1997, mở tiếp xưởng Two For One với 134 máy và mở xưởng Weaving với 3.190 khung dệt nước. Đến năm 2000, công ty mở tiếp xưởng Dyeing với 22 máy nhuộm. Đến nay, công ty này tạo việc làm cho 3.000 lao động.
 
Nguyên nhân gây lỗ được công ty này kê khai tới cơ quan thuế cũng nằm chính ở việc phải đầu tư dây chuyền thiết bị chuyên dụng giá đắt, mua nguyên vật liệu đầu cao, trong khi giá bán không đủ bù đắp chi phí. Chỉ đến khi, cơ quan thanh tra thuế vào cuộc, những bất minh trong con số lỗ khủng trên mới được đưa ra ánh sáng.
 
Biến 400 nghìn thành 16 triệu USD
 
Manh mối điều tra chuyển giá bắt đầu từ sự trái khoáy trong việc nhập khẩu máy móc thiết bị của công ty này.
 
Báo cáo cơ quan thuế, đại gia này khai rằng, đã nhập khẩu 1 bộ dây chuyền dệt vải từ bên liên kết nước ngoài với giá gần 16 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó, bộ dây chuyền dệt vải này lại được bán cho 1 công ty khác nhưng với giá thấp hơn tới 40 lần, khoảng 400.000 USD. Theo lý giải ban đầu, do không có nhu cầu sử dụng nên công ty thanh lý tài sản, đương nhiên, giá thanh lý luôn luôn rẻ. Động thái này dường như đi ngược lại bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp thông thường, hiếm khi dễ dàng mua cao rồi mau chóng chấp nhận bán lại với giá thấp.
 
Trên thực tế, theo nguồn tin riêng của Vietnamnet, dây chuyền sản xuất máy dệt này đã rất lạc hậu, tại nước ngoài đã thuộc diện phải thải bỏ, không thể sử dụng. Nhưng thay vì nên tiêu hủy, công ty Hualon lại “rước” về Việt Nam để … nâng cao năng lực sản xuất. Thực tế, khi nhập về, dây chuyền dệt này cũng chỉ xếp xó, công ty không sử dụng.
 
Thế nhưng, không có nhu cầu dùng đến, đại gia FDI này vẫn coi là tài sản cố định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tính khấu hao như bình thường.
 
Cùng với việc chuyển giá từ mua nguyên liệu ở công ty liên kết nước ngoài, tổng giá vốn đã được Hualon nâng không lên tới 1.156 tỷ đồng.
 
Nhờ phi vụ nâng khống đầu vào như vậy, Hualon đã qua mặt ngành thuế để báo số lỗ lũy kế “ảo” lên tới 956,2 tỷ đồng.
 
Tại thời điểm thanh tra, công ty Hualon vẫn còn một số máy móc tương tự, cũ kỹ, lạc hậu, nhập về giá đắt và nếu áp dụng chiêu bài thanh lý giá rẻ thì số gây lỗ ảo còn lớn hơn.
 
Sau khi sự thật được phơi bày, tổng giá trị phải điều chỉnh giá sau thanh tra ở công ty Hualon lên tới 1.156,8 tỷ đồng, chỉ thua ông lớn Keangnam Vina vài chục tỷ. Trong đó, doanh thu thực tế của công ty tăng thêm 0,8 tỷ đồng.
 
Toàn bộ số lỗ trên đã buộc phải giảm hết. Trong đó, Hualon phải giảm số lỗ phát sinh trong giai đoạn 2006-2009 tới 621,1 tỷ đồng, giảm chuyển lỗ của giai đoạn trước năm 2006 vào giai đoạn 2006-2009 và giảm tiếp chuyển lỗ sang năm 2010 là 335,2 tỷ đồng.
 
Kết quả, công ty Hualon có lãi lớn và tổng số thuế thu nhập bị truy thu lên tới 78,1 tỷ đồng.
 
Theo một nghiên cứu của Tổng Cục thuế trước đây, việc chuyển giá thông qua mua bán tài sản cố định là khá phổ biến. Khi đến Việt Nam làm ăn, đại đa số các doanh nghiệp FDI đều phải mua tài sản cố định và hầu hết là mua từ các bên liên kết nước ngoài.
 
Tuy nhiên, thường sẽ rất khó có thể định giá được giá trị thực của các loại tài sản cố định này một cách chính xác. Bởi những doanh nghiệp này có thể sử dụng một số loại thiết bị máy móc mang tính kỹ thuật cao, Việt Nam chưa sản xuất được, trong khi đó, việc tìm doanh nghiệp khác tại Việt Nam nhập khẩu loại máy móc tương tự để làm cơ sở so sánh là không dễ. Thêm vào đó, trình độ đánh giá của các Thẩm định viên về giá tại Việt Nam còn hạn chế.
 
Vì độ phức tạp cho nên, đã có những vụ việc mà cơ quan thuế tạm thời treo lại một số vụ như: công ty Kad Industrial SA Việt Nam (Hoa Kỳ) trong lĩnh vực may mặc hay vụ công ty DaiWa Việt Nam (Đài Loan) sản xuất cần câu cá.
 
Theo Vietnamnet
.