(BVPL) - Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 (VBF) vừa chính thức khai mạc tại Hà Nội. Với chủ đề “Từ chương trình đến hành động - chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới”, diễn đàn lần này tập trung thảo luận những chủ đề chính về đầu tư và thương mại, thuế và hải quan, lao động và việc làm, cải tiến cơ chế chính sách đầu tư của Việt Nam để sẵn sàng cho các hiệp định quan trọng như TPP, EU-FTA, RCEP...
Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tại diễn đàn đều đánh giá, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm giải quyết vấn đề, đã nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt về vấn đề an ninh.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, ngay khi xảy ra sự việc, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo các biện pháp cụ thể để lấy lại niềm tin cộng đồng doanh nghiệp, như miễn giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hỗ trợ DN bị thiệt hại do một số kẻ quá khích lợi dụng tình hình gây ra. Việt Nam đánh giá cao nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đồng hành, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư Đài Loan. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có công văn để giải quyết vấn đề lương, bảo hiểm cho doanh nghiệp… Đến nay, 99% DN bị thiệt hại đã quay lại sản xuất, trong đó 95% DN Đài Loan đã hoạt động lại. Qua đó cho thấy, các doanh nghiệp Đài Loan vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đầu tư thuận lợi và hấp dẫn.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, Việt Nam cam kết bảo đảm an toàn về an ninh cho nhà đầu tư FDI trong tương lai. Chính phủ Việt Nam nghiêm túc nhận thấy, môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề vướng mắc cần tiếp tục cải thiện, sửa đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại Việt Nam có nhiều thuận lợi nâng cao lợi nhuận đầu tư.
Về cam kết thực hiện nghiêm túc các hiệp định, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Việt Nam đang đàm phán 6 hiệp định tự do, khi tham gia các hiệp định Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc như với WTO mà Việt Nam đã gia nhập từ năm 2007. Hiệp định TPP có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh đàm phán, cùng đối tác khác sớm kết thúc trong thời gian tới đây. Việt Nam luôn mong muốn mở cửa với nhiều mặt hàng Việt Nam muốn xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là may mặc, nông nghiệp, đề nghị các nước mở cửa để tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đầy đủ, hiệu quả, năng động. Việt Nam chủ động đẩy nhanh hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế với kinh tế thế giới. Sẽ thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường. Việt Nam hiện đã là thành viên WTO, tham gia 8 FTA khác. Một mặt cam kết thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, mặt khác tham gia đàm phán với nhiều FTA khác, trong đó có hiệp định TPP, FTA với EU đang tiến triển tích cực…
Thời gian tới, Việt Nam sẽ ban hành luật, quy định đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo luật, hiến pháp Việt Nam mới. Cùng với tinh thần như vậy, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh hơn, phù hợp với tinh thần kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục bảo đảm, tăng cường ngày càng vững chắc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, DN, người nước ngoài công tác, làm việc, học tập, sinh sống tại Việt Nam. Thủ tướng cũng khẳng định, hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn đủ sức thực hiện mục tiêu, chính sách, quyết tâm này.
Việt Linh