(BVPL) - Tình trạng vi phạm bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh và chương trình truyền hình đang diễn ra khá phổ biến và trở thành rào cản lớn cho các nhà nghệ thuật và nhà phát triển dịch vụ truyền hình chính thống.

 

 

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Chánh văn phòng Hội Sở Hữu Trí Tuệ TP.HCM (IPA) phát biểu như trên tại hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình trong môi trường số” do Cục Bản quyền tác giả (COV), IPA và Hội Truyền thông điện tử TP.HCM (EIC) tổ chức tại TP.HCM nhân dịp kỹ niệm ngày “Sở hữu trí tuệ Thế giới” (26/4).

Phân tích về thực trạng vi phạm bản quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, chương trình truyền hình, Luật sư Tuấn cho biết tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh đang diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều nơi với nhiều hình thức “công khai và trắng trợn” khác nhau. Hình vi vi phạm chủ yếu thông qua Internet và mỗi năm đã gây ra thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều tác phẩm điện ảnh vừa hoàn thành chưa phát sóng đã bị đánh cắp và công bố! Cụ thể: trường hợp phim “Cánh đồng bất tận” chưa được công chiếu đã bị in đĩa bán lậu và tung lên internet. Phim “Bụi đời Chợ Lớn” cũng bị tung nháp lên internet, ngay sau đó vài ngày thì đĩa in lậu lại bán tràn lan trên thị trường…

Cũng theo Luật sư Tuấn dù có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng kết quả vẫn như “muối bỏ bể” bởi các chủ thể đều thờ ơ hoặc bất lực. Vì vậy, vấn đề giải quyết không chỉ còn là đơn thuần của cơ quan chức năng mà còn phải từ phía các chủ thể quyền. “Khi bản quyền phát sóng thường xuyên bị vi phạm và ý thức còn bị xem nhẹ thì việc tranh chấp bản quyền với các đối tác nước ngoài là hoàn toàn có thể sẽ xảy ra”.

Ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nói: “Hiện nay, tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới rất chú ý tới việc bảo hộ quyền tác giả và các quyền có liên quan trên môi trường số và Internet. Việc này đặt ra cho nước ta phải bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật cho phù hợp với điều kiện môi trường chung. Đặc biệt phải có nhiều biện pháp về công nghệ quản lý quyền ngày càng tốt hơn”.

Được biết, Thông điệp của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố nhân ngày Sở Hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm nay mang chủ đề “Điện ảnh - niềm đam mê toàn cầu”.

Tại buổi hội thảo tại TP.HCM, các diễn giả và hội thảo viên đã tập trung thảo luận về hành lang pháp lý, những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo hộ quyền tác giả tác phẩm điện ảnh và chương trình truyền hình, đồng thời đề xuất các biện pháp bảo hộ thích hợp trong môi trường kỹ thuật số.

Ngoài ra, nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay, nhóm công tác ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ (AWGIPC) đã phối hợp với cơ quan Sở hữu trí tuệ của các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác phim hoạt hình ASEAN năm 2014 chủ đề về bản quyền. Tác phẩm dự thi nộp về Cục Bản quyền tác giả trước ngày 26/6/2014. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của bảo hộ bản quyền trong ASEAN, nâng cao kỹ năng và năng lực của các tác giả trong việc sáng tạo và thương mại hóa phim hoạt hình, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa những người làm phim hoạt hình cũng như mở rộng mạng lưới phim hoạt hình và công  nghiệp hoạt hình, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hoạt hình trong khu vực ASEAN.

 

Anh Nguyên

.