Ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn
Cập nhật lúc 23:26, Thứ tư, 30/03/2016 (GMT+7)
Sản xuất rau an toàn (RAT) là một trong những giải pháp đang được nông dân Tổ sản xuất RAT xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh đẩy mạnh áp dụng. Qua đó vừa giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận và cung cấp RAT cho người tiêu dùng. ( chính quyền xã, nông dân, Sản xuất rau an toàn)
Sản xuất rau an toàn (RAT) là một trong những giải pháp đang được nông dân Tổ sản xuất RAT xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh đẩy mạnh áp dụng. Qua đó vừa giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận và cung cấp RAT cho người tiêu dùng.
Hiện nay, nông dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, tăng diện tích trồng RAT với hơn 40.000m2, 30 hộ nông dân tham gia sản xuất. Ông Huỳnh Văn Pháp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân cho biết: “Hội vận động nông dân mở rộng diện tích chuyên sản xuất RAT theo hướng VietGAP. Đến nay, rau cung cấp ra thị trường đều không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép”.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng rau cũng như mức độ an toàn của sản phẩm, trong những năm qua, các ngành chức năng thành phố đã tổ chức cho tất cả các hộ nông dân được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ và giống mới. Từ đó, hầu hết các thành viên nông dân trong Tổ sản xuất RAT đã nắm vững quy trình sản xuất, có sổ nhật ký theo dõi đồng ruộng. Kết quả cho thấy nhiều hộ nông dân sản xuất RAT khá thành công. Điển hình như hộ anh Dương Văn Phương ở ấp 1, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh cho biết: “Với hơn 1.500m2 chuyên trồng rau muống từ hơn 6 năm nay đã đem thu nhập khá cho gia đình. Trong tháng, tôi xoay vòng thu hoạch rau rạch khoảng 1 - 2 tấn, lợi nhuận mỗi tháng được 10 triệu đồng”.
Hiện nay, đồng loạt các hộ nông dân đều thực hiện sản xuất RAT với giá thành hạ, chất lượng an toàn theo hướng giảm giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế thấp nhất các chỉ tiêu độc chất, đảm bảo RAT cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài địa phương. Song song đó, Trạm BVTV thành phố cử cán bộ theo định kỳ mỗi tuần đến kiểm tra chất lượng an toàn, quản lý dư lượng độc trong quá trình sản xuất chất tại đồng ruộng và ngay khi thu hoạch, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng thuốc BVTV. Anh Lê Chí Hiếu - Trưởng Trạm BVTV TP.Cao Lãnh cho biết: “Hàng tuần, Trạm đều cử người xuống tổ RAT nắm tình hình sâu bệnh cũng như tâm tư nguyện vọng của người tham gia”.
Phát huy thế mạnh của vùng sản xuất rau, UBND xã Mỹ Tân đã thực hiện hoàn chỉnh hệ thống điện, tiến hành quy hoạch khép kín tiểu vùng đê bao và vận động nhân dân cùng tham gia với chính quyền, từ đó giúp kiểm soát được lũ và dự trữ nguồn nước cho nông dân sản xuất rau quanh năm. Hệ thống giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2016, các ngành chức năng thành phố cũng đã tiến hành khảo sát đề nghị UBND thành phố hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư nhà sơ chế, bồn rửa xử lý ozone, đóng gói thương hiệu và vật dụng sản xuất rau trong nhà lưới, giúp Tổ sản xuất RAT xã Mỹ Tân đăng ký nhãn hiệu RAT và có quầy bán RAT tại chợ TP.Cao Lãnh.
Ông Nguyễn Văn Buol - Phó Chủ tịch UBND Xã Mỹ Tân chia sẻ: “Địa phương thường xuyên vận động người dân chuyển đổi mô hình sản xuất RAT để từng bước nâng cao chất lượng rau trước khi bán ra thị trường. Đồng thời địa phương đã có bước quy hoạch vùng RAT của xã để các hộ nông dân sản xuất quanh năm. Đối với các hộ trồng lúa có năng suất kém thì vận động chuyển đổi qua mô hình trồng RAT, sen canh giữa hai vụ lúa một vụ màu để tăng giá trị lợi nhuận trên cùng một diện tích”.
Tổ sản xuất RAT được thành lập và ngày càng thu hút nhiều hộ nông dân cùng tham gia, góp phần chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng hoa màu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đây là hướng đi đúng và bền vững, góp phần từng bước nâng dần mức sống, tăng thu nhập của người dân ở địa phương.
Theo Báo Đồng Tháp
.