Tìm giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp phá sản
Cập nhật lúc 22:13, Thứ bảy, 01/12/2018 (GMT+7)
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến tháng 10/2018, tổng số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho gần 60 nghìn lao động tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… là hơn 1.000 tỷ đồng.
Pháp luật hiện hành đã có quy định cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi cho người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển đơn vị khác; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ bảo hiểm xã hội thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi đối với lao động.
Tìm giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp phá sản, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo quy định về nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra quy định phân loại về nợ, nợ kéo dài, nợ khó thu. Riêng về nợ khó thu gồm các trường hợp: Đơn vị mất tích; đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành; đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật…
Minh Hằng