Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Tiền Giang về cơ bản đã có hiệu quả tích cực thông qua gia tăng xuất khẩu (XK), thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

 


Tình hình hoạt động, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp khá ổn định, tổng giá trị sản xuất, doanh thu, kim ngạch XK đều tăng so với cùng kỳ, góp phần thúc đẩy XK của tỉnh tăng ở mức cao.

Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 17-5-2007 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.

Tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Chương trình hành động 40-CTr/TU ngày 10-6-2013 thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế; UBND đã ban hành Chương trình hành động 175/CTr-UBND ngày 13-8-2014 thực hiện Nghị quyết 49/NQ-CP ngày 10-7-2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới...

Có thể nói, các yếu tố về cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với Trung ương triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đến nay đã hoàn thành dự án đường cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi, đường tỉnh 865, dự án đường Cần Đước - Chợ Gạo (đường tỉnh 879D)... đang thực hiện các Dự án liên quan Quốc lộ 1, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo, đường tỉnh 864...

Cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ góp phần thu hút đầu tư, năng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Bên cạnh đó, các sở, ngành tỉnh đã nổ lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án đã và đang tiếp tục triển khai. Tỉnh đã kịp thời triển khai, áp dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trên các lĩnh vực; trong đó, công tác hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn được đặc biệt quan tâm.

Thế nhưng, để Tiền Giang tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, theo Sở Công thương, trong thời gian tỉnh tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Đẩy nhanh mời gọi đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới như: Bình Đông, Tân Phước I, Tân Phước II, tiếp tục mời gọi doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư Khu công nghiệp Long Giang, Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm như: Dự án liên quan Quốc lộ 50, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 30... Tiếp tục đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn, tạo điện kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa nông sản của tỉnh, hỗ trợ, thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ logistics, tận dụng tiềm năng về vị trí địa lý của tỉnh.

Cải thiện môi trường sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp về những thông tin mới về tiến trình hội nhập của Việt Nam.

Đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu các giải pháp tái cơ cấu hiệu quả và đồng bộ các yếu tố liên quan, đặc biệt là gắn tái cơ cấu với phát triển thị trường, mở rộng sản xuất gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chủ động, kịp thời triển khai các chính sách của Nhà nước, cụ thể như: Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sau thu hoạch, hỗ trợ liên kết sản xuất, tham gia cánh đồng lớn, các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại. Định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, chủ động liên kết sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm...

 

Theo Báo Ấp Bắc

.