Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chính thức công bố mức thưởng Tết dương lịch và âm lịch 2014 cho người lao động ở khối doanh nghiệp. Theo đó, bình quân mức thưởng Tết năm nay thấp hơn chút ít so với năm ngoái.
Chênh lệch lớn
Theo ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách Lao động - Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH) 162 doanh nghiệp được khảo sát tập trung ở 4 nhóm: Nhóm Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (42 doanh nghiệp); doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước (51 doanh nghiệp); doanh nghiệp tư nhân (37 doanh nghiệp); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (32 doanh nghiệp). Qua đó, năm nay chỉ có duy nhất khối doanh nghiệp FDI giữ được mặt bằng thưởng tương đương năm ngoái, các doanh nghiệp còn lại đều giảm chút ít, từ 1,2-3,5%.
Cụ thể, tiền thưởng Tết dương lịch 2014 bình quân của khối Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước quản lý là 920.000 đồng, trong đó người có mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng, còn người có mức thưởng cao nhất là 5,5 triệu đồng. Tương tự, ở khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, mức thưởng Tết dương lịch bình quân là 520.000 đồng, thấp nhất 100.000 đồng, còn cao nhất 2,4 triệu đồng; Ở khối doanh nghiệp tư nhân, thưởng Tết dương lịch bình quân là 590.000 đồng, thấp nhất 200.000 đồng, cao nhất 1 triệu đồng; Khối doanh nghiệp FDI, thưởng Tết dương lịch bình quân là 200.000 đồng, thấp nhất 100.000 đồng, cao nhất 500.000 đồng.
Mức thưởng Tết âm lịch ở tất cả các khối doanh nghiệp đều cao hơn nhiều so với thưởng Tết dương lịch. Ở khối Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước sở hữu, thưởng Tết âm lịch Giáp Ngọ bình quân là 3.120.000 đồng, thấp nhất là 500.000 đồng, còn cao nhất lên tới 21 triệu đồng; Ở khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, thưởng Tết âm lịch bình quân là 3.130.000 đồng, thấp nhất 200.000 đồng, cao nhất 30 triệu đồng; Ở khối doanh nghiệp tư nhân, thưởng Tết âm lịch bình quân là 3.700.000 đồng, thấp nhất 500.000 đồng, cao nhất 40 triệu đồng; Đặc biệt, mức thưởng Tết âm lịch bình quân ở khối doanh nghiệp FDI là 3.720.000 đồng, trong đó người thấp nhất là 250.000 đồng còn người có mức thưởng cao nhất lên tới 65 triệu đồng. Ông Phạm Văn Thanh cho biết, người có mức thưởng Tết cao nhất 65 triệu đồng là lãnh đạo của một công ty FDI liên doanh với Nhật Bản.
Một cái Tết khó khăn
Theo Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2013, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, tồn kho nhiều, không ít doanh nghiệp phá sản hoặc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Tuy nhiên, tiền lương bình quân trong năm 2013 của người lao động vẫn tăng khoảng 4,5% so với năm 2012, dao động từ 4.090.000 đồng đến 4.680.000 đồng. Song khoản tăng này chủ yếu đến từ việc mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng lên, trong khi các khoản lương thưởng, trợ cấp, phụ cấp của nhiều người lao động đã bị doanh nghiệp cắt giảm. Chính vì vậy, việc duy trì được mức thưởng Tết tương đương năm 2012 hoặc chỉ giảm không đáng kể là một cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp.
Trước đó, mức thưởng Tết ở khối doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng và TP.HCM cũng đã được công bố. Tại Đà Nẵng, mức thưởng Tết âm lịch cao nhất là 172 triệu đồng, thuộc khối FDI. Tại TP. Hồ Chí Minh, mức thưởng Tết bình quân của doanh nghiệp FDI là khoảng 4,7 triệu đồng, còn các doanh nghiệp trong nước vào khoảng 3,3 triệu đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, theo một số ý kiến của các chuyên gia, mức thưởng Tết bình quân vẫn được duy trì khá cao chủ yếu đến từ mức thưởng rất cao của nhóm lãnh đạo, trong khi số công nhân có mức thưởng thấp chỉ vài trăm nghìn đồng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Do vậy, việc đảm bảo cái Tết của người lao động năm nay chắc chắn không ít khó khăn.
Theo ANTĐ