Thương hiệu doanh nghiệp đến từ lòng tin người tiêu dùng
Cập nhật lúc 23:13, Thứ năm, 19/01/2017 (GMT+7)
Việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp còn thiếu khoa học và chiến lược dài hạn, nhiều khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt. (Thương hiệu, doanh nghiệp , người tiêu dùng)
Việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp còn thiếu khoa học và chiến lược dài hạn, nhiều khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Khách hàng Công ty DigiPencil MVV cho rằng, trong bối cảnh kỷ nguyên số phát triển mạnh, các doanh nghiệp cũng đối mặt với những cơ hội và thách thức mới trong việc xây dựng thương hiệu. Điển hình là mạng xã hội đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, cùng với đó là sự thay đổi cách tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp không nhất thiết phải có nhiều tiền mới xây dựng được thương hiệu mà chỉ cần thấu hiểu khách hàng, tạo ra được sự khác biệt sẽ tạo ra cơ hội tương tác hai chiều với khách hàng”, Bà Nhung cho biết.
Cũng theo bà Nhung, việc xây dựng thương hiệu hiện nay khác rất nhiều so với cách quảng bá truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với sự phổ biến ngày càng rộng rãi của mạng xã hội, các doanh nghiệp cần tìm hiểu mong muốn của khách hàng để tạo dựng phương pháp tiếp cận hiệu quả, từ đó chính khách hàng sẽ là “cầu nối” để lan toả thương hiệu đến cộng đồng.
Theo thống kê, hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, sử dụng 51% tổng số lao động xã hội, đóng góp 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc phát triển thương hiệu mới chỉ được một số doanh nghiệp lớn quan tâm và đầu tư, còn phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đều chưa chú trọng do hạn chế về nguồn lực tài chính. Trong thời đại bùng nổ kỷ nguyên số, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhạy bén nắm bắt cơ hội để có bước phát triển đột phá.
“Khi internet phủ rộng, tất cả những người tham gia vào mạng đều có thể tương tác với nhau dễ dàng hơn, từ đó những thông tin liên quan đến sản phẩm dịch vụ cũng như doanh nghiệp được đưa đến người tiêu dùng nhanh và hiệu quả hơn. Trong môi trường số, việc áp dụng các công cụ sẽ tiết kiệm và nhanh chóng hơn, như vậy cơ hội dành cho nhà cung ứng cũng như người tiêu dùng cũng được nhanh chóng và tiện lợi”, ông Trường khuyến cáo.
TS. Nguyễn Quốc Thịnh, cố vấn Chương trình “Thương hiệu Quốc gia” nhận định, mỗi doanh nghiệp có những điều kiện khác nhau về mặt tài chính, năng lực quản trị, quá trình xây dựng thương hiệu cũng gặp không ít rủi ro về sức ép cạnh tranh của thị trường. Tuy nhiên, không phải chỉ đến khi doanh nghiệp lớn mạnh mới cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu, mà cần phải chú trọng ngay từ những bước đầu và cần thực hiện song song với quá trình phát triển doanh nghiệp.
“Xây dựng thương hiệu chính là tìm mọi cách để tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của mình trong tâm trí khách hàng. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp có tập khách hàng mục tiêu khác nhau, hướng đến những đối tượng khác nhau, nên tạo dựng một hình ảnh tốt đẹp về sản phẩm của mình trong nhóm khách hàng mục tiêu trước”, TS. Thịnh nhìn nhận,
Môi trường số tạo ra sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tạo ra một cộng đồng lớn mạnh hơn, có những diễn đàn với nhiều nội dung chuyên sâu liên quan đến sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, những người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, bởi hoạt động này không phải chỉ mang tính chất thời điểm mà diễn ra thường xuyên, liên tục trong mọi công đoạn từ quá trình sản xuất đến cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Bài toán xây dựng thương hiệu cần được mỗi doanh nghiệp đưa ra lời giải riêng bởi thương hiệu chính là giá trị tài chính vô hình nhưng rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp./.
Theo Duy Phương/VOV
.