Hoạt động kinh doanh năm qua khó khăn nhưng thù lao cho lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức hàng tỷ đồng khiến không ít cổ đông chạnh lòng.

 
Tại Đại hội cổ đông Sacombank, lãnh đạo phân tích, lẽ ra phải chi cho ban điều hành gần 93 tỷ đồng nhưng mới trả 17 tỷ. Do vậy, Hội đồng quản trị xin cổ đông chấp thuận thông qua mức thù lao bổ sung cho năm 2012 gần 76 tỷ đồng.
 
Một số cổ đông không đồng tình vì cho rằng, với khoản thù lao 93 tỷ chia đều cho 14 thành viên gồm Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, mỗi người có hơn 6 tỷ đồng trong năm 2012.
 
Đại diện Sacombank lý giải, trong năm 2012, ngoài việc phải đáp ứng trang trải kinh phí hoạt động cho các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, nhà băng thực hiện chế độ chính sách đối với những thành viên Hội đồng quản trị đã từ nhiệm trước đó nhằm ghi nhận công sức đóng góp của họ. Nhiều tranh cãi quanh mức chi trả lương thưởng nhưng cuối cùng nội dung này vẫn được đại hội thông qua.
 
Ở HDBank, thù lao dành cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát khiêm tốn hơn nhưng vẫn dao động hàng tỷ đồng. Năm 2012, quỹ thù lao cho 9 thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát là 6 tỷ đồng. Năm 2013, ngân hàng dự kiến tăng quỹ này thêm 2 tỷ đồng.
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT cho rằng, nhu cầu phát triển theo chuẩn mực ngày càng khắt khe của ngành tài chính, cũng như quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mời các thành viên Hội đồng quản trị độc lập tham gia vào để hoạt động minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Nguồn quỹ này sẽ chi trả cho các thành viên chuyên trách, mời thêm nhân sự có kinh nghiệm, uy tín, người nước ngoài tham gia quản trị.
 
Nhiều lãnh đạo thu nhập hàng tỷ đồng trong năm 2012. Ảnh: PV
Nhiều lãnh đạo thu nhập hàng tỷ đồng trong năm 2012. Ảnh: PV
 
Ngoài ngân hàng, lĩnh vực sản xuất, bất động sản... cũng có nhiều đơn vị trả lương bạc tỷ cho lãnh đạo.
 
Đạt lợi nhuận sau thuế 2012 trên 10.000 tỷ đồng và đặt kế hoạch thận trọng cho năm nay, nhưng Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) vẫn quyết định trích trên 11 tỷ đồng, thay vì hơn 7 tỷ đồng như 2012 để chia cho ban lãnh đạo.
 
Trong đó, Chủ tịch hưởng cao nhất, 70 triệu đồng một tháng, Phó chủ tịch hơn 59 triệu, thành viên 57 triệu. Trưởng ban kiểm soát 47,1 triệu, thành viên ban kiểm soát 37,3 triệu đồng.
 
Ngoài ra, Chủ tịch nhận thêm khoản tiền thưởng 30 triệu đồng một tháng. Như vậy, trong một tháng, chủ tịch của GAS nhận được 100 triệu đồng, tương đương 1,2 tỷ đồng một năm.
 
Cũng có kết quả kinh doanh tốt trong 2012, Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) thống nhất chi 3,28 tỷ đồng cho Hội đồng quản trị và ban kiểm soát, chiếm 0,5% trên lợi nhuận sau thuế 2012 là 656,8 tỷ. Trong đó lương Tổng giám đốc cho bà Nguyễn Thị Mai Thanh là 100 triệu đồng một tháng, tương ứng 1,2 tỷ đồng một năm.
 
Ngoài ra, Tổng giám đốc và các giám đốc điều hành sản xuất kinh doanh của nhóm công ty REE sẽ được thưởng một khoản tiền tương đương 30% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch 2013.
 
Với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), kế hoạch trả thù lao và tỷ lệ khen thưởng dành cho lãnh đạo cấp cao của tập đoàn năm 2013 không có nhiều thay đổi so với năm 2012. Tổng gói lương thưởng cho các thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc và ban thư ký chiếm 0,5% lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này.
 
Năm 2013, thành viên HĐQT độc lập hoặc không điều hành được nhận thù lao 21 triệu đồng một tháng, vị chi hơn 250 triệu đồng một năm, chưa kể khoản thưởng. Trưởng ban kiểm soát được trả thù lao 10,5 triệu đồng một tháng, còn thành viên ban kiểm soát nhận 8,4 triệu đồng.
 
Năm 2011, tổng thù lao của Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức gần 3 tỷ đồng nhưng năm 2012 con số này chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, do doanh thu HAG năm 2012 thấp hơn so với 2 năm trước đó nên mức thưởng của lãnh đạo cấp cao tập đoàn này có thể giảm đi.
 
Đạt lợi nhuận 151 tỷ đồng trong 2012, tăng gấp 3 lần so với 2011 là 48 tỷ đồng, Tổng công ty Vinacafe Biên Hòa (VCF) dành riêng 2,8 tỷ đồng cho HĐQT và Ban kiểm soát.
 
Theo tài liệu chuẩn bị đại hội cổ đồng, dự kiến 2013, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 475 tỷ đồng, sẽ dành 4,3 tỷ đồng chi ban lãnh đạo. Trong đó, mức thù lao Chủ tịch Hội đồng quản trị 150 triệu đồng một tháng, tương đương 1,8 tỷ đồng một năm chưa kể phụ cấp và thưởng. Ngoài ra, là một cổ đông của công ty, Chủ tịch còn có khả năng nhận được tiền cổ tức.
 
Khác với doanh nghiệp trên, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen chỉ nhận mức lương vừa phải nhưng bù đắp vào đó là mức thưởng cao chót vót.
 
Cụ thể, ông Lê Phước Vũ có thù lao 20 triệu đồng một tháng, nhưng được thưởng 2,3 tỷ đồng cho niên độ tài chính 2011-2012. Trong đó, 1,8 tỷ đồng là tiền thưởng do vượt kế hoạch lợi nhuận hơn 50%, và 500 triệu do ông Vũ giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý dự án. Ngoài ra, trong năm, ông Vũ được cộng thêm 1,15 tỷ đồng thu nhập Trưởng Ban quản lý dự án.
 
Với Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ, mặc dù kinh doanh 2012 không đạt so với kế hoạch đặt ra nhưng vẫn chia lương thưởng của ban lãnh đạo cao ngất ngưởng. PNJ dành lương, trợ cấp của Tổng giám đốc 121 triệu đồng một tháng. Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng nhận 72 triệu đồng một tháng. Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng hưởng 84 triệu đồng.
 
Lý giải việc chia lương, thưởng khủng cho ban lãnh đạo, hầu hết người đứng đầu công ty đều cho rằng mức này nhằm thúc đẩy ban điều hành có động lực hoàn thành chỉ tiêu 2013. Đồng thời, họ là những người đóng góp lớn trong việc dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua sóng gió để đến thành công nên mức lương trên hoàn toàn xứng đáng.
 
Riêng khối ngân hàng, nhiều lãnh đạo cho rằng, môi trường kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, trách nhiệm và khối lượng quản trị, điều hành sẽ ngày một gia tăng, đặc biệt là với HĐQT và ban kiểm soát. Vì thế, mức độ chi trả thù lao phải tương ứng với công sức bỏ ra.
 
Nhận định về mức chia lương thưởng ở các doanh nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM cũng cho rằng, nếu công ty kinh doanh đạt kế hoạch hoặc vượt, việc chia thù lao cao cũng là chuyện bình thường. Thực tế, hầu hết doanh nghiệp chia lương thưởng đều xét theo lợi nhuận sau thuế của mà họ đạt được nên mức chia trên khá hợp lý.
 
"Tuy nhiên, đối với những đơn vị lợi nhuận giảm nhưng thù lao tăng lên sẽ khiến cổ đông khó chấp nhận. Khi đó, Hội đồng quản trị nên điều chỉnh lại sao cho ở mức thuyết phục nhất", ông Thuận cho hay.
 
Theo VnExpress