Xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu nói tưởng đùa mà không phải đùa của đại gia chân đất - Nguyễn Thanh Vang, 49 tuổi ở Thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương: “Năm ngoái rau rớt giá, thua lỗ nên tôi bán mất 3 sào đất. Năm nay, trúng giá tôi mua chiếc xe một tỷ bảy”. Nguyễn Thanh Vang cười tươi - nụ cười mãn nguyện của người nông dân sau vụ mùa thắng lợi.

 

 

Về lập nghiệp ở Thạnh Mỹ từ năm 1996, sau gần 20 năm lăn lộn với khó, nghèo, anh Nguyễn Phong Phú bây giờ cũng đã là một đại gia chân đất. Với tổng diện tích 5 ha, anh Phú đã mạnh dạn đầu tư không dưới 3 tỷ đồng để hình thành một trang trại chăn nuôi bò sữa 60 con, vườn ươm, đồng cỏ, rau, hoa, máy cày, máy xới, máy băm thức ăn gia súc; trang bị nhà lưới, hệ thống tưới công nghệ cao; sản xuất, chăn nuôi theo một quy trình hiện đại. Bình quân một năm, tiền lương chi trả cho người lao động trên nửa tỷ đồng. Dù không tiết lộ mức thu nhập của gia đình, nhưng tin rằng sau khi trừ mọi chi phí, thu nhập của gia đình anh sẽ không dưới vài tỷ. Năm ngoái, anh được vinh dự bình chọn là “nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh”.

Cái khổ nhất của người dân Thạnh Mỹ bây giờ là thuê lao động. Nếu ngày trước người dân Thạnh Mỹ phải đi làm thuê cuốc mướn cho các nơi khác, thì nay phần lớn người dân Thạnh Mỹ thu hút lao động từ khắp mọi miền đất nước với mức lương chi trả không dưới 5 triệu đồng/tháng/người. Chỉ tính riêng trên lĩnh vực này thôi, hàng năm người dân Thạnh Mỹ đã giải quyết việc làm cho cả ngàn lao động và tổng mức lương mà người dân Thạnh Mỹ phải chi phí hàng tháng không dưới 5 tỷ đồng, đó là chưa kể các khoản hỗ trợ khác cho người lao động. 

Thạnh Mỹ hôm nay đã ra dáng của một đô thị, không còn độc nhất một con đường nhựa ngang qua hai dãy nhà ven lộ. Hệ thống đường nội thị được nhựa hóa phẳng lỳ nối liền khu phố với tổng chiều dài hơn 10 km; đường ngang, lối dọc nối liền tổ dân cư hơn 6 km cũng đều được bê tông hóa xi măng; hệ thống đèn đường chiếu sáng theo chương trình “sáng, xanh, sạch, đẹp” với tổng mức đầu tư cả trăm triệu đồng mà phần lớn do dân đóng góp, dân tự quản theo chương trình đầu tư cộng đồng.

Có thể nói, từ chủ trương đúng cùng với sự triển khai kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể huyện Đơn Dương, thị trấn Thạnh Mỹ và sự đồng lòng của mọi người dân, đã quyện chặt, làm đổi thay hoàn toàn diện mạo của Thạnh Mỹ. Phố xá đông đúc, nhộn nhịp giao thương, sự phát triển nhanh đến không ngờ đó buộc Thạnh Mỹ một lần nữa phải chỉnh trang, mở rộng đô thị. Bí thư thị trấn Phạm Phú Đào cho hay: “Hiện nay đã hoàn thành quy hoạch chung, sắp tới sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết, trước mắt phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thành tuyến tránh Quốc lộ 27. Nhân dân thị trấn Thạnh Mỹ đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự quan tâm của huyện, của tỉnh. Nếu mọi việc suôn sẻ thì chưa tới 10 năm nữa, bộ mặt thị trấn Thạnh Mỹ sẽ khác rất xa so với bây giờ”.

Có thể chưa phải đã hết gian truân, nhưng với tiềm lực hiện có và trên hết là sự thuận lòng dân, thị trấn Thạnh Mỹ sẽ vững vàng đi tới trên lộ trình xây dựng một đô thị văn minh, giàu mạnh.

 

Theo Báo Lâm Đồng

.