Tác hại lớn của việc thiếu các dưỡng chất nhỏ
Theo Phó giáo sư, bác sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người Việt thường thiếu hụt vitamin A, vitamin D, kẽm, sắt, thiếu đa vi chất, khẩu phần canxi thấp. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản, cũng như năng suất lao động của người lớn. Trong khi đó, việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng cho người lao động, mới chỉ đạt kết quả bước đầu.
|
|
Phát biểu tại Lễ phát động Ngày vi chất Dinh dưỡng năm 2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến mong muốn các tổ chức và toàn xã hội cùng chung tay và quan tâm tới việc bổ sung vi chất cho trẻ em. |
Các triệu chứng do thiếu hụt vi chất có thể biểu hiện thành bệnh như thiếu máu do thiếu sắt, khô mắt do thiếu vitamin A. Nếu thiếu hụt trong thời gian dài khiến cho sự tăng trưởng và phát triển thể chất, trí tuệ bị ảnh hưởng, đôi khi không thể hồi phục. Tiêu biểu như khi thiếu canxi lâu dài trong khẩu phần (ít hơn 600mg một ngày) có thể gây ra rối loạn chuyển hóa chất khoáng tại xương, giảm trọng lượng xương, gây loãng xương, còi xương, co cứng cơ, liên quan đến tăng huyết áp, ung thư ruột, ung thư đại liệt tràng. Thiếu hụt vi chất có thể dẫn đến tử vong, giảm chất lượng cuộc sống và năng suất lao động.
Giáo sư, tiến sỹ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cung cấp thông tin: theo Tạp chí Y khoa hàng đầu Lancet thì bản đồ thiếu vi chất dinh dưỡng bao phủ toàn bộ các nước đang phát triển của các châu lục (trong đó có Việt Nam), gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển thể chất và trí tuệ trẻ em. Khẩu phần ăn của người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là trẻ em đều không cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể. Tại Đông Nam Á, thiếu vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể xảy ra ở cả thành thị và nông thôn (số liệu giám sát dinh dưỡng ASEAN và Việt Nam). Nguyên nhân chính là do khẩu phần ăn không cung cấp đủ hầu hết các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu cơ thể.
|
|
Trẻ em Việt Nam còn đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng, đây là những nguyên nhân chính ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng chiều cao và trí tuệ của các em. |
Giáo sư Lê Danh Tuyên khuyến nghị: Người dân nên lưu ý lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày như: muối tăng cường I ốt, bột mỳ tăng cường sắt kẽm hoặc các thực phẩm có thành phần nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng này, dầu ăn tăng cường vitamin A….
Cùng quan điểm về việc cần tăng cường cho trẻ được uống sữa bổ sung đa vi chất, Phó giáo sư, bác sĩ Lê Bạch Mai bày tỏ lo ngại khi dẫn thông tin từ báo cáo của Hiệp hội sữa Việt Nam 2018, lượng tiêu thụ sữa trung bình của người Việt chỉ đạt 27-28 lít sữa một người mỗi năm, còn khá khiêm tốn so với Thái Lan, Singapore, Nhật Bản. Các nhà sản xuất sữa nên quan tâm bổ sung thêm nhiều vi chất quan trọng vào sản phẩm sữa để góp phần cải thiện thể trạng người Việt. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẩu phần ăn của người Việt hầu hết không đáp ứng đủ nhu cầu về các vitamin và chất khoáng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi chất.
Nỗ lực để trẻ em Việt Nam ngày càng lớn mạnh
Nhận thức tầm quan trọng của sữa đối với sự phát triển của trẻ em, nhất là ở lứa tuổi học đường, Chính phủ đã ban hành quyết định 1340/QĐ – TTg ngày 08/7/2016 phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Đến tháng 6/2019, đã có 11 tỉnh/thành trên cả nước triển khai thành công chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này. Trong đó, Thủ đô Hà Nội triển khai với quy mô rất lớn, giúp cho hàng triệu trẻ em được thụ hưởng tính nhân văn của chương trình mỗi ngày.
Ghi nhận cho thấy, nhiều bậc phụ huynh, ngay cả ở khu vực thành thị cũng hiểu khá mơ hồ về tầm quan trọng của vi chất. Thậm chí có không ít người nghe thực phẩm nào đó được bổ sung vi chất, không những không vui lại tỏ ra bất an vì nghĩ rằng thực phẩm của con em mình “bị” bổ sung thêm vi chất là sẽ bị mất đi sự nguyên chất và sự an toàn của thực phẩm đó.
Những hiểu lầm không đáng có này đã khiến cho không chỉ các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng mà cả cơ quan thanh tra của Bộ y tế cũng đã “vào cuộc”, kịp thời lên tiếng, để vừa bảo vệ quyền lợi của người dân, vừa đồng thời đưa ra những lý giải khoa học nhất với đầy đủ tính pháp lý về sản phẩm nhân văn dành riêng cho trẻ em lứa tuổi học đường được hiểu đúng, hiểu đủ.
Phó Trưởng khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trần Khánh Vân khẳng định, các vi chất được bổ sung trong sữa học đường hoàn toàn phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi.
Còn Giáo sư Lê Danh Tuyên thì nhấn mạnh: “Với các cháu được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường, sử dụng sữa tăng cường đa vi chất sẽ có lợi hơn cho sự tăng trưởng và phát triển”.
Ngay cả lãnh đạo cấp cao của Bộ Y tế cũng lên tiếng để người dân hiểu thêm về ý nghĩa quan trọng của việc sử dụng đa vi chất dinh dưỡng trong sản phẩm sữa học đường. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định trong một buổi họp báo mới đây về ngày vi chất dinh dưỡng năm 2019: Loại và hàm lượng các vi chất dinh dưỡng tăng cường vào sữa học đường theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi trong bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
“Việc thực hiện Chương trình này hoàn toàn minh bạch và rất bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, tiêu chí về dinh dưỡng khi đưa vào sử dụng, đảm bảo cung cấp cho các cháu những dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Do vậy chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về việc sử dụng vi chất trong sản phẩm sữa học đường”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn các tổ chức và toàn xã hội chung tay, quan tâm tới việc bổ sung vi chất cho trẻ, tránh những bệnh lí không đáng có do thiếu vi chất gây ra.
|
|
Bà Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia khẳng định, các vi chất được bổ sung trong sữa học đường hoàn toàn phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. |
Theo bà Trần Khánh Vân,việc tăng cường vi chất vào thực phẩm là việc nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu. Tại Việt Nam, không chỉ sữa học đường được bổ sung vi chất mà còn nhiều sản phẩm khác cũng được bổ sung các vi chất. Bên cạnh việc bổ sung 3 loại vi chất bắt buộc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với sữa học đường là sắt, vitamin D và canxi, việc bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất khác không làm thay đổi chất lượng sữa mà chỉ làm tăng chất lượng của sữa. Đặc biệt, với sữa học đường có tính ưu việt về độ bao phủ, giá thành phù hợp khi có sự liên kết, ưu đãi của nhiều lực lượng sẽ là một giải pháp tối ưu để bổ trợ cho bữa ăn học đường.
Những con số “nhức nhối” về nạn thiếu vi chất
Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tuy những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, như tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm khá nhanh và bền vững, song vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm vẫn còn ở mức cao (24,3%) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. “Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao còn thấp của thanh niên Việt Nam”, báo cáo khẳng định.
Kết quả điều tra năm 2014-2015 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13%; 80,3% phụ nữ có thai; 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ; 69,4% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm và đến 45% trẻ 6-12 tháng tuổi thiếu máu.
|