(BVPL) - Luật Đấu thầu 2013 gồm 13 chương với những mục tiêu cơ bản: đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu; quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong nước; quy định hình thức đấu thầu mua sắm tập trung; đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế... Luật cũng quy định rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư; quy định chặt chẽ hợp đồng trong đấu thầu; phân cấp triệt để; tăng cường giám sát trong đấu thầu và tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
 


Luật cũng quy định hình thức đấu thầu mua sắm tập trung trên cơ sở tổng hợp các thông lệ quốc tế tốt nhất và kết quả thí điểm thực hiện tại Việt nam để áp dụng rộng rãi trong công tác đấu thầu. Theo hình thức này, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau thì cơ quan mua sắm tập trung sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp một lần. Hình thức này không chỉ giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm công mà còn tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Đấu thầu minh bạch qua mạng  

Trong thời gian thí điểm đấu thầu qua mạng từ năm 2009 tới nay, đã có hơn 1.900 bên mời thầu, trên 1.500 nhà thầu đăng ký được phê duyệt và hơn 1.000 gói thầu thực hiện thành công. Tuy nhiên, theo ý kiến của người đại diện Cục Đấu thầu thì sau đợt thí điểm, nhận thấy việc đấu thầu qua mạng có thể đụng chạm tới quyền lợi của người đấu thầu bởi thói quen của nhiều nơi là phải gặp gỡ, nộp hồ sơ,…

Theo Cục trưởng Lê Văn Tăng, thời gian tới, Cơ quan quản lý sẽ đặt ra lộ trình về tỷ lệ bắt buộc phải đấu thầu qua mạng theo từng năm. Trong giai đoạn này, việc đặt ra thời điểm nào 100% đơn vị phải đấu thầu qua mạng thì chưa thể khẳng định vì còn tùy vào thực tế của từng năm, lộ trình phát triển công nghệ thông tin, khả năng đào tạo nhân lực; nhưng sẽ cố gắng đẩy nhanh tốc độ. Dự kiến sẽ có một khoản đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống này.

Ưu tiên nguồn lực trong nước

Luật Đấu thầu năm 2013 đã chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong nước, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu, tạo việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước; Từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập, thực hiện gói thầu lớn, công nghệ cao.

Về đấu thầu mua thuốc vật tư y tế, Luật đã dành riêng một mục quy định về mua thuốc, vật tư y tế sử dụng nguồn vốn nhà nước, nguồn quỹ BHYT, nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập. Riêng đối với đấu thầu mua thuốc, bổ sung hình thức đàm phán giá đối với gói thầu mua thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác theo quy định của Chính phủ.

Để tăng tính minh bạch trong đấu thầu, Luật Đấu thầu 2013 cũng quy định rõ về việc tăng cường giám sát, xử lý vi phạm về đấu thầu, bổ sung giám sát cộng đồng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, bổ sung trách nhiệm về giám sát của người có thẩm quyền. Đồng thời, tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu, bổ sung những hành vi bị cấm trong đấu thầu. Đề rõ biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định.

Song song với việc soạn thảo Luật, Cục Đấu thầu đang tiến hành dự thảo 2 Nghị định liên quan đến Luật cũng như chuẩn bị xây dựng các Thông tư theo Luật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp khi thời điểm thi hành Luật Đấu thầu 2013 chính thức có hiệu lực.
 

Trần Tâm

.