Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã thông qua tất cả tờ trình của Hội đồng Quản trị (HĐQT) Vinamilk. Đặc biệt, kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) đã nhận được sự “gật đầu” của cổ đông lớn SCIC.
Vấn đề nới room đã có câu trả lời
Thông báo tin vui này cho cổ đông tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Vinamilk Lê Thị Băng Tâm cho biết: “Thời gian vừa qua, căn cứ vào quy định của pháp luật, HĐQT đã hoàn tất việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh và đến nay Vinamilk sẽ tiến hành điều chỉnh việc tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. HĐQT sẽ thông báo cho cổ đông ngay sau khi hoàn tất thủ tục nới room cho nhà đầu tư nước ngoài”.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề được mở room, các cổ đông cũng tỏ vẻ lo ngại trước vấn đề bị thâu tóm bởi các công ty nước ngoài. Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên chia sẻ: “Mở room là điều mà ai cũng trăn trở. Trải qua 40 năm xây dựng thương hiệu, vấn đề làm sao để giữ được thương hiệu là rất quan trọng. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu nhà đầu tư nước ngoài có vào đầu tư cũng chỉ vì thương hiệu Vinamilk. Không ai mua Vinamilk để xóa thương hiệu”.
Theo ý kiến của một cổ đông người nước ngoài, mở room là việc đáng vui mừng và là cơ hội lớn cho Vinamilk cũng như các cổ đông. Bởi, nếu cổ đông có quyết định bán cổ phiếu cũng sẽ được mua với giá cao nhất, hưởng lợi nhiều nhất.
Không chỉ đón nhận những thông tin tích cực từ đại hội, cổ đông Vinamilk còn vui mừng hơn khi nhận được tỷ lệ cổ tức 60% trong năm 2015, đây là mức cao kỷ lục từ khi Vinamilk thực hiện cổ phần hóa. Theo phương án này, tổng số tiền chi trả cổ tức chiếm tới 82,5% lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp đạt được trong năm 2015. Như vậy, Vinamilk sẽ chi ra hơn 6.400 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho các cổ đông.
Có lẽ với thông tin này, người vui mừng nhất phải kể đến cổ đông lớn SCIC khi “ăn” 2.885 tỷ đồng trong 6.400 tỷ đồng cổ tức được chia.
Ngoài ra, cùng với cổ tức bằng tiền, Vinamilk sẽ phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 5:1. Việc phát hành cổ phiếu thưởng được Vinamilk thực hiện nhằm kỷ niệm 40 năm thành lập của Vinamilk.
Đầu tư đa ngành chỉ là xu hướng trong tương lai
Lợi nhuận mà cổ đông đạt được dựa trên kết quả kinh doanh tốt của một doanh nghiệp. Do đó, việc đầu tư cũng như hướng phát triển của Vinamilk luôn thu hút nhiều sự chú ý của cổ đông.
Thắc mắc tại đại hội về vấn đề đầu tư đa ngành của Vinamilk sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt trước việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Vinamilk có những kế hoạch ra sao?
Vị Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết, đa ngành chỉ là định hướng trong tương lai của công ty. Hiện tại, Vinamilk vẫn tập trung chủ yếu vào ngành sữa. Đối với Việt Nam với hơn 90 triệu dân và nhu cầu sử dụng sữa vẫn còn thấp thì đây là cơ hội để Vinamilk phát triển.
Dù vậy, nói đến TPP, khi Việt Nam hội nhập, ngành sữa sẽ chịu nhiều tác động cả tích cực và thách thức. Vị đại diện Vinamilk chia sẻ: “TPP là áp lực đối với các công ty sữa. Vì nó vừa là cơ hội vừa là thách thức. Khi thuế suất bằng 0%, hàng hóa nước ngoài sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam và điều lo ngại nhất của chúng ta là có đủ sức đề kháng hay không”.
Bên cạnh đó, bà Mai Kiều Liên phân trần: “Điều mà Vinamilk lo lắng nhất hiện nay là sữa của bà con nông dân. Giá thành sản phẩm tại các trang trại Vinamilk hiện khoảng 40 cent/lít, tương đối bằng các nước trên thế giới 30-35 cent/lít ở đây là mức được trợ giá. Hiện, Vinamilk vẫn thu mua cho nông dân ở mức 14.000 đồng/lít. Tính riêng 5 tháng đầu năm, Vinamilk đã hỗ trợ 400 tỷ đồng cho nông dân. Tuy nhiên, về lâu dài không thể tiếp tục mà đã có kế hoạch trong vòng ba năm tới sẽ đưa giá của nông dân và trang trại bằng thế giới. Và chúng tôi tin mình làm được”.
Theo NTD