(BVPL) - Nhiều năm trở lại đây, Bộ GTVT đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt… góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Chủ trương phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ, hàng hải, Bộ GTVT quán triệt và thực hiện tốt việc tăng nguồn lực thực hiện, bảo trì công trình hàng hải từ xã hội hoá, giảm sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội  hoá công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến luồng hàng hải trên nguyên tắc hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.
 
Đội thi công của Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước đang thực hiện nạo vét phía bờ Quận 9 Tp. Hồ Chí Minh.
Đội thi công của Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước đang thực hiện nạo vét phía bờ Quận 9 Tp. Hồ Chí Minh.
 
Nói riêng về định hướng phát triển giao thông đường thuỷ, nước ta có mạng lưới sông, kênh với tổng chiều dài hơn 41.900km bao gồm 2360 sông, kênh; 3.260km bờ biển, trên 100 cửa sông, nhiều hồ, đầm, phá, vịnh…tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy đến hầu hết các thành phố, thị xã, các khu dân cư và các vùng kinh tế tập trung thì việc đẩy mạnh xã hội hoá để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu, nạo vét các tuyến luồng là thực sự cần thiết. Vì theo đại diện Bộ GTVT, các công trình, dự án để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường thuỷ thường có quy mô lớn với tổng vốn đầu tư cao trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế, eo hẹp. Do đó, Bộ GTVT ưu tiên, khuyến khích, huy động nguồn lực của các khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường thuỷ. Cũng theo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, việc thực hiện xã hội hoá kêu gọi nhiều nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực đường thuỷ đang đi đúng hướng với nhiều điều kiện thuận lợi. Hiện 46 dự án nạo vét đường thuỷ kết hợp tận thu sản phẩm đã được Cục đường thuỷ nội địa kêu gọi đầu tư và đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ chế, thủ tục nhằm đưa vào hoạt động để thúc đẩy hình thức xã hội hoá công tác bảo trì, bảo dưỡng đường thuỷ để giảm đầu tư từ ngân sách. 
 
Một trong nhiều dự án thành công thực hiện theo chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực này phải kể đến Dự án nạo vét và nâng cấp tuyến luồng đường thuỷ sông Đồng Nai đoạn từ rạch ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai phục vụ giao thông đường thủy và tiêu thoát lũ” do Công ty Cổ phần Hàng Hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước là chủ đầu tư. Dự án đã được thực hiện từ năm 2011 đến nay và nhận được đánh giá cao từ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự đồng tình ủng hộ của người dân. Mới đây nhất, Bộ GTVT đã quyết định chuyển tuyến luồng đường thủy nội địa sông Đồng Nai, đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến hạ lưu Cầu Đồng Nai (khu vực Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước đang thực hiện nạo vét, duy tu, nâng cấp) thành tuyến luồng hàng hải thì vai trò của nhà đầu tư dự án nạo vét, nâng cấp tuyến luồng này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đơn giản vì nội thân tuyến luồng này khi là “tuyến luồng đường thuỷ nội địa” đã có những đặc điểm, chỉ số khoa học về quy mô không đáp ứng được nhu cầu giao thông với mật độ phương tiện thuỷ nội địa có đầy đủ tải trọng, hiện đại có, thô sơ có như hiện nay huống hồ khi đã được “nâng cấp” thành tuyến luồng hàng hải nghĩa là phải đáp ứng cho tàu biển có trọng tải 5.000DWT và các phương tiện thuỷ hoạt động an toàn, liên tục quả là một việc không hề dễ. Công ty Cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước cũng đã ý thức được vai trò quan trọng của mình nên dù gặp không ít khó khăn nhưng với sự cố gắng không ngừng nghỉ và tinh thần trách nhiệm cao đã hoàn thành và hoàn thành tốt tiến độ cũng như chất lượng công trình. Theo đó, đại diện Chủ đầu tư tự tin cho rằng khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng và thoả mãn được việc lưu thông cũng như chuyên chở an toàn những khối hàng lớn, khối hàng siêu trường, siêu trọng cho các khu công nghiệp, cảng biển như cảng tổng hợp Đồng Nai, cảng Daso Bình Dương, cảng ELFGAS…góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực tỉnh Đồng Nai nói riêng và toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
 
Thanh Phong