Những câu chuyện lạ lùng ở một liên doanh
Cập nhật lúc 15:38, Thứ hai, 25/11/2013 (GMT+7)
ANCO - một trong những đơn vị dẫn đầu ngành sản xuất và cung cấp thực phẩm chăn nuôi tại Việt Nam đang làm ăn phát đạt thì bỗng hàng loạt sự kiện lạ lùng xảy ra khiến cho công ty này đứng trên bờ vực thẳm... (thức ăn chăn nuôi, Thức ăn Chăn nuôi RICO, ANCO, ông Choi Keng Mun)
ANCO - một trong những đơn vị dẫn đầu ngành sản xuất và cung cấp thực phẩm chăn nuôi tại Việt Nam đang làm ăn phát đạt thì bỗng hàng loạt sự kiện lạ lùng xảy ra khiến cho công ty này đứng trên bờ vực thẳm...
Công ty Cổ phần Dinh Dưỡng Nông Nghiệp Quốc Tế - ANCO - là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành sản xuất và cung cấp thực phẩm chăn nuôi tại Việt Nam đang làm ăn phát đạt thì bỗng hàng loạt sự kiện lạ lùng xảy ra khiến cho công ty này đứng trên bờ vực thẳm và hàng chục đại lý điêu đứng. Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ lúc nhân viên kinh doanh của ANCO bán hàng của… đối thủ và Tổng giám đốc của ANCO Vĩnh Long cùng nhân viên thân tín liên tiếp bị đe dọa.
Doanh số tuột dốc…
ANCO ra đời năm 2001 tại TP.HCM, là một công ty liên doanh với 60% vốn góp từ phía Malaysia và 40% phía Việt Nam. Với đội ngũ kỹ thuật và công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phía Malaysia và hệ thống kinh doanh hiệu quả của phía Việt Nam, ANCO từng bước khẳng định vị thế là đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi chất lượng tốt và giá hợp lý, dần chiếm lĩnh một trong ba vị trí đầu ngành của thị trường thức ăn chăn nuôi vô cùng rộng lớn của Việt Nam.
Hiện ANCO đã mở rộng thêm các nhà máy mới tại Vĩnh Long, Hà Nam và mỗi năm ANCO cung cấp cho thị trường gần 300,000 tấn sản phẩm thức ăn chăn nuôi các loại với mức giá bình ổn.
Tuy nhiên, chỉ trong hai tháng, tính từ tháng 10.2013, những mâu thuẫn nội bộ giữa hai nhóm cổ đông Việt Nam và Malaysia bộc phát và trở nên vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ là những xung đột mang tính “xã hội đen” làm các nhà đầu tư và quản lý nước ngoài lo sợ mà còn trực tiếp làm tổn thất tài sản và công việc kinh doanh của những đại lý đã gắn bó hàng chục năm với ANCO.
|
Việc hợp tác giữa liên doanh Việt Nam - Malaysia trở nên trái chiều khi một đơn vị mới ra đời, với cách vận hành kinh doanh, chính sách bán hàng… đều gần như rập khuôn ANCO - là công ty RICO |
Khi nhân viên kinh doanh bán hàng… đối thủ
Sự việc bắt đầu khi một đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện mang tên Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi RICO (do những người có nhiều quan hệ với các thành viên chủ chốt phía Việt của liên doanh ANCO) có dấu hiệu can thiệp vào việc bán hàng của ANCO. 15 nhà phân phối lớn nhất của công ty ANCO gửi đơn kêu cứu vì nhân viên kinh doanh của ANCO đã o ép khiến doanh số sụt giảm 70% so với 8 năm qua, tiền vay ngân hàng ứng trước cho các điểm bán đang không thu hồi được và nguy cơ mất trắng toàn bộ công việc kinh doanh mà họ đã đổ bao công sức.
Một đại lý cho biết: “Đại lý của tội đạt hơn 300 tấn sản phẩm mỗi tháng, cho đến khi anh Ngọc Quí, nhân viên bán hàng của ANCO (giờ đã là Tổng Giám đốc Công ty RICO Hậu Giang) đến đề nghị bán hàng của RICO và bị tôi từ chối thì bắt đầu bỏ mặc và chèn ép theo hướng không cho tôi buôn bán nữa. Họ dựng một đại lý cấp 2 đang mua hàng của tôi trở thành đại lý cấp 1, bán sản phẩm ra với giá rẻ hơn để hút toàn bộ khách hàng về phía đại lý này – đang bán song song hai sản phẩm ANCO và RICO. Các nhân viên kinh doanh của ANCO thì thúc hối trả toàn bộ công nợ nếu không sẽ cắt hàng”.
Người đại lý này tìm đến giám đốc trên giấy tờ pháp lý của ANCO Vĩnh Long là ông Choi Keng Mun để được giải quyết, nhưng ngay sau đó chị nhận một văn bản của anh Lê Văn Hiếu ký tên, nói là mọi lời hứa của ông Choi đều không có giá trị.
Một nhà phân phối lớn khác ở Long An của ANCO cũng rơi vào tình trạng tương tự khi hàng chục tỷ đồng đầu tư cứ đội nón ra đi. Không những đại lý, mà còn là những người lao động công khai bày tỏ sự không đồng tình với việc đang là người của ANCO nhưng lại bị phân công làm việc cho RICO thì đều bị “trù dập”.
Và cách hành xử lạ lùng
Tháng 7/2013, ông Choi Keng Mun được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của ANCO Vĩnh Long thay cho ông Thân Trung Tín – vốn vẫn đang giữ chức phó chủ tịch HĐQT. Ông Choi mong muốn được gặp gỡ một số quản lý kinh doanh cấp vùng để nắm lại tình hình. Ngay khi thư mời dự họp được gởi ra, thì ông Lê Văn Hiếu – một trong 2 cổ đông phía Việt Nam lập tức yêu cầu mọi người không cần tham dự và cho rằng việc này sai nguyên tắc. Ông Choi, vốn cẩn trọng, nên đã quyết định tự mình tìm hiểu thị trường.
Ngày 6.11, khi ông đang đi trong xe thì bất ngờ một hòn đá lớn được ném thẳng vào xe, vỡ nát kính xe và rơi ngay bên cạnh chỗ ông ngồi. Kiểm tra thì mới biết hòn đá đó, có hình một cái đầu chó. Một cách trùng hợp, ngay sau đó trên trang Facebook cá nhân của một số lãnh đạo cấp cao xuất hiện những hình ảnh với nội dung: “Xin lỗi, anh chỉ là…thằng chó!”.
Lo ngại về an ninh cá nhân, ông Choi đã trình báo công an và liên lạc với Lãnh sự quán Malaysia nhờ giúp đỡ. Nhưng sự việc càng nghiêm trọng hơn khi một số nhân viên thân tín bày tỏ sự ủng hộ ông Choi trong công ty liên tiếp nhận được tin nhắn khủng bố tinh thần theo đúng kiểu xã hội đen: “Chuẩn bị sẵn tính mạng đi!”.
Nghi vấn về một sự cạnh tranh không lành mạnh
Trong nhiều năm qua, sự thành công của ANCO có được nhờ vào sự hợp lực mạnh mẽ của hai phía: phía Malaysia nắm giữ bí quyết công nghệ, vốn đầu tư và phía Việt Nam với lợi thế về sự am hiểu thị trường. Mô hình liên doanh này đã liên tục mang lại những giá trị tích cực cho ngành chăn nuôi của Việt Nam.
Thế nhưng, chuyện trở nên trái chiều và xuất hiện hàng loạt nguy cơ tan rã khi một đơn vị mới ra đời, với cách vận hành kinh doanh, chính sách bán hàng… đều gần như rập khuôn ANCO. Đó là công ty RICO, với nhiều giấy phép đăng ký kinh doanh trải từ Đồng Nai, Hậu Giang, Tây Ninh và Hà Nam đều có thành phần cổ đông góp vốn với nhiều nghi vấn là người nhà của hai thành viên phía Việt Nam cũng như những cộng sự thân tín của họ.
Ông Yew Kean Lai, hay còn gọi là ông Simon, chủ tịch công ty ANCO chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy bị xâm phạm cả về quyền lợi lẫn danh dự trong những ngày vừa qua. Chúng tôi làm kinh doanh, nhưng cũng mang đến những sản phẩm hiệu quả và có giá trị cho ngành chăn nuôi – vốn là một trong những thế mạnh về nông nghiệp để Việt Nam phát triển, nhưng hiện giờ chúng tôi đang bị cô lập và mất quyền kiểm soát công ty mà mình đang làm chủ một cách danh chính ngôn thuận.
Bên cạnh đó, sự việc này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của các đại lý phân phối và cơ nghiệp của những người nông dân, những người đã tin dùng sản phẩm của tôi hơn chục qua. Chúng tôi buộc lòng phải sử dụng những biện pháp cuối cùng liên quan đến pháp lý để thoát ra khỏi tình trạng khó khăn nghiêm trọng này và tiếp tục làm việc” .
Theo Dân Việt
.