Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ vẫn chậm chuyển biến, nhiều rào cản khiến doanh nghiệp bức xúc.
Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá Bộ Công Thương vẫn còn chậm chuyển biến, nhiều rào cản khiến doanh nghiệp bức xúc.
|
Kiểm tra formaldehyte và amin thơm trên các sản phẩm dệt may đang gây khó DN (Ảnh minh họa: KT) |
Gây khó ngành dệt may
Theo Bộ KHĐT, trong số các Bộ được giao nhiệm vụ cải cách các quy định pháp luật về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương là Bộ có số văn bản được nêu nhiều nhất, nhưng lại ít có sự chuyển biến. Những vướng mắc lớn nhất về quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay hầu như tập trung chủ yếu tại các quy định của Bộ Công Thương.
Cụ thể, về vấn đề kiểm tra formaldehyte và amin thơm trên các sản phẩm dệt may, việc này đã thực hiện từ 2009 và ảnh hưởng lớn đến hai ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam, với hàng nghìn doanh nghiệp, hàng triệu lao động là dệt may và da giày. Trong 7 năm qua, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, bức xúc với quy định này, nhiều lần kiến nghị sửa đổi, nhưng không được chấp nhận.
Thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định. Theo thống kê của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, từ khi thực hiện Thông tư 32/2009/TT-BCT đến năm 2015, mỗi năm có khoảng 8000 lô hàng sản phẩm dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyte, nhưng chỉ có 6 trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng quy định.
Hơn nữa, cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định. Trong khi đó, 7 năm qua, doanh nghiệp phải trả chi phí hàng trăm tỉ đồng cho việc kiểm tra, và thời gian thông quan hàng hoá kéo dài. Mỗi lô hàng mất từ 3 – 7 ngày, mỗi năm có nhiều nghìn lô hàng, gây lãng phí nhiều nghìn ngày công.
Ngoài ra, nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật cũng cho thấy việc ban hành Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm là thiếu cơ sở pháp lý, không tuân thủ quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá (Khoản 2 Điều 70).
Do đó, Bộ KHĐT kiến nghị kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu bãi bỏ Thông tư này và thay thế bằng phương thức quản lý khác hiệu lực và hiệu quả hơn. Từ sự việc Bộ Công thương mở rộng Danh mục hàng hóa nhóm 2 quá phạm vi quy định của Luật, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát Danh mục hàng hóa nhóm 2 của các Bộ quản lý chuyên ngành để yêu cầu loại bỏ những mặt hàng mà các Bộ này đã mở rộng quá phạm vi cho phép của luật.
Quy định nhãn năng lượng khiến cả doanh nghiệp và hải quan bức xúc
Bên cạnh đó, về thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên các phương tiện, thiết bị nhập khẩu, Bộ KHĐT đánh giá đây là vấn đề vướng mắc và gây bức xúc nhất hiện nay cho doanh nghiệp và cả cơ quan hải quan.
Cụ thể là doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện, thiết bị phải thực hiện thủ tục 2 giai đoạn do 2 đơn vị khác nhau thực hiện: vừa phải thủ tục thử nghiệm tại các tổ chức đánh giá sự phù hợp do Bộ Công Thương chỉ định, kéo dài hàng tháng, chi phí lớn, nhiều sản phẩm phải kiểm tra phá hủy (bao gồm cả những mặt hàng giá trị cao của các thương hiệu nổi tiếng thế giới); vừa phải xin cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng (một loại giấy phép) ở Bộ Công thương (Tổng cục năng lượng) với vô vàn khó khăn, phức tạp, tốn kém chi phí.
Bộ KHĐT cho rằng, quy định 2 giai đoạn là không cần thiết, làm tăng thủ tục, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Trên thực tế, việc cấp GCN dán nhãn hoàn toàn dựa trên hồ sơ và kết quả thử nghiệm, có thể giao cho tổ chức thử nghiệm đảm nhiệm, theo đó, có thể bỏ giai đoạn cấp GCN dán nhãn tại Tổng cục Năng lượng.
Qua khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp và đơn vị Hải quan đều không đồng tình với quy định này và cho rằng, quản lý hiệu suất năng lượng là quản lý đối với hàng hoá, chứ không phải là quản lý doanh nghiệp nhập khẩu. Thay vì phải cấp GCN cho mặt hàng, Bộ Công thương lại quy định cấp cho từng lô hàng, dẫn tới một mặt hàng/model hàng phải thử nghiệm, cấp GCN nhiều lần, gây phiền hà, tốn kém chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Trước phản ứng của doanh nghiệp, ngày 26/4/2016, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương đã ban hành công văn số 1053 quy định kết quả thử nghiệm, GCN có giá trị nhập khẩu mặt hàng/model cùng loại trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, quy định này chỉ là giải pháp đối phó, không có cơ sở, không giải quyết cơ bản vướng mắc.
Bên cạnh đó, về thái độ của cán bộ công chức liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng (Tổng cục năng lượng, Bộ Công thương), doanh nghiệp bức xúc với cách làm việc mập mờ, thiếu minh bạch của cán bộ. Cụ thể là: gửi hồ sơ qua bưu điện thì không trả lời; gửi hồ sơ trực tiếp không có phiếu hẹn ngày trả kết quả, thậm chí không ký nhận; doanh nghiệp thường phải sử dụng hình thức qua trung gian hoặc trả chi phí không chính thức.
Từ thực tế này, Bộ KHĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiêm túc sửa đổi Thông tư số 07/2012/TT-BCT do có nhiều nội dung không mang tinh thần cải cách thủ tục hành chính, không phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 19. Sau đó, đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi căn bản điều 39 Luật Năng lượng theo hướng bỏ quy định thử nghiệm hiệu suất năng lượng tại khâu thông quan, thay bằng quy định doanh nghiệp chỉ được sản xuất, nhập khẩu các phương tiện, thiết bị đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định, tự in và dán nhãn, cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra tại khâu lưu thông. Sửa đổi theo hướng này sẽ giải quyết được các vướng mắc nêu trên./.
Theo Xuân Thân/VOV.VN