(BVPL) - Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản do những rủi ro không lường trước được trong khi giao dịch, làm ăn với các đối tác nước ngoài. Đây là một thực tế đáng báo động trong việc lựa chọn đối tác, soạn thảo hợp đồng mà Bộ Công thương đã chính thức lên tiếng cảnh báo.
Echopack có ý định lừa đảo vì đã lấy hợp đồng có chữ ký khác với hợp đồng đã ký giữa hai bên để mở thư tín dụng (L/C) và trong L/C đã gài điều khoản chữ ký trong hợp đồng gửi cho General Equity mở L/C phải khớp với chữ ký trong hợp đồng đính kèm trong bộ chứng từ gửi đòi tiền. Khi gửi bộ chứng từ đòi tiền theo các điều khoản L/C, General Equity đã biết bộ chứng từ bất hợp lệ nhưng vẫn cho Echopark lấy bản vận đơn chính để lấy hàng. Hệ quả là mặc dù đã giao hàng nhưng các doanh nghiệp thủy sản vẫn chưa nhận được tiền thanh toán như hợp đồng đã ký kết.
Không chỉ các DN thủy sản, nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất, nhập khẩu các lĩnh vực khác như hạt điều, gỗ, nhôm... cũng gặp phải tình trạng khó thu hồi nợ.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), đây không phải trường hợp đầu tiên hay hiếm hoi được VASEP cảnh báo các doanh nghiệp hội viên khi giao dịch xuất khẩu. Trong 5 năm gần đây, các trường hợp nợ xấu, gây hại cho doanh nghiệp trong ngành thủy sản ngày càng tăng, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, tình trạng này có thể sẽ gia tăng nếu doanh nghiệp không chủ động trang bị các kiến thức, kinh nghiệm cần thiết trong giao dịch quốc tế.
Ngoài những hình thức lừa đảo trên thì việc thu hồi các khoản nợ trễ hạn đối với một số đối tác nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp phải chịu nhiều ảnh hưởng như: mất doanh thu, giảm lợi nhuận, giảm tín dụng có sẵn, giảm năng suất lao động… Theo Giám đốc Kinh doanh tại Việt Nam của Assurance Global (Công ty tư vấn và cung cấp các giải pháp tài chính, quản lý nợ thương mại), Chris McNabb, năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mất khoảng 8 tỷ USD do không thể thu về các khoản nợ.
Những câu chuyện nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tình trạng bên nhập khẩu cấu kết với ngân hàng hay hãng vận tải để làm giả giấy tờ; đối tác không chịu trả tiền hàng… đã và đang xảy ra với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản nói riêng, nhiều lĩnh vực khác nói chung. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tế nhị, nhất là việc muốn bảo vệ hình ảnh của công ty nên hầu hết doanh nghiệp đều không muốn làm to chuyện.
Cẩn trọng khi giao dịch
Để hạn chế được rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, Bộ Công thương vừa đưa ra khuyến nghị đối với các DN kinh doanh xuất nhập khẩu lưu ý một số nội dung khi giao dịch với khách hàng. Trong đó, nhấn mạnh, các DN cần ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt với các giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian.
Việc thực hiện thẩm tra có thể qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra (như các tổ chức cung cấp thông tin uy tín hay như Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu…
Theo luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài càng ngày càng phải thận trọng để tránh rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, để tránh rơi vào “bẫy” của các doanh nghiệp lừa đảo, điều quan trọng nhất khi hợp tác làm ăn, mua bán xuất nhập khẩu đều phải điều tra kỹ đối tác, vì dù hợp đồng quy định có chặt chẽ đến thế nào, mà đối tác không có thiện chí thì việc kinh doanh, thu hồi nợ sẽ gặp khó khăn. Điều tra đối tác có thể qua nhiều nguồn như: trao đổi, tiếp xúc trực tiếp, qua bạn hàng, hiệp hội, công ty tư vấn, thương vụ, sứ quán, đặc biệt là với những đối tác giao dịch lần đầu.
Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Thúy Ý, Công ty Assurance Global cho rằng, các doanh nghiệp muốn tìm hiểu đối tác thì có thể gọi điện trực tiếp, tra thông tin trên google hoặc thuê bên thứ ba điều tra với chi phí khoảng 250 USD (Assurance Global hiện đang cung cấp dịch vụ này). Ngoài ra, có cách khác là đối tác phải cung cấp các thông tin người giới thiệu uy tín để doanh nghiệp có thể liên lạc xác nhận. Khi thấy trường hợp công ty đăng ký kinh doanh ở một nước nhưng xuất L/C bởi một ngân hàng ở nước khác thì nên ngừng giao dịch ngay bởi đây có thể là những công ty lừa đảo hay công ty “ma”.
Để tránh trường hợp nợ xấu, khi số nợ đã trễ quá 3 tháng, các doanh nghiệp cần phải tiến hành ngay các bước thu hồi nợ lập tức vì nếu để quá lâu tỷ lệ thu hồi nợ thành công càng thấp. Cách tốt nhất là liên hệ luật sư hoặc các công ty thu hồi nợ thuê để giảm thiệt hại tài chính.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cảnh giác với yếu tố “giá bất thường” so với cung-cầu thị trường, bởi đây chính là những yếu tố khiến cho các DN Việt Nam dễ “dính bẫy”, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, yếu tố này càng cần phải được chú trọng hơn.
Hòa Bình