(BVPL) - Từ ngày 1/1/2016, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 có hiệu lực. Cùng với việc quy định chi tiết hơn một số chính sách về BHXH hiện hành và bổ sung nhiều chính sách mới tác động lớn đến doanh nghiệp và người tham gia BHXH. Tỉ lệ đóng góp của doanh nghiệp và người lao động không thay đổi, nhưng cơ sở mức đóng có thay đổi, gồm: tiền lương + phụ cấp chứ không thuần lương cơ bản như trước kia... Với cách tính này, rõ ràng bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động, nhưng lại tác động không nhỏ tới doanh nghiệp.
|
|
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
Luật BHXH sửa đổi có nhiều điểm mới. Luật bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp)- hai nhóm đối tượng này bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2018; và nhóm đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn- bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2016.
BHXH tự nguyện cũng được thay đổi không khống chế tuổi trần, hạ mức tràn thu nhập làm căn cứ đóng, đa dạng các phương thức đóng. Đặc biệt nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho một số đối tượng. Các mức trợ cấp ốm đau được điều chỉnh tăng so với trước đó. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau 1 ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày thay vì chia cho 26 ngày như hiện hành. Mức hỗ trợ ốm đau dài ngày sau 180 ngày tăng lên 50% thay vì 45% như hiện nay.
|
Từ năm 2016, mức đóng BHXH sẽ tính theo mức lương cơ bản cộng thêm các khoản phụ cấp. |
Ngoài ra, Luật BHXH mới tăng thời gian hưởng thai sản khi sinh con lên 6 tháng phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012. Luật cũng thêm chế độ lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con... Luật mới quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với những trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Quy định các chế độ hưu trí đối với người bị phạt tù giam ra nước ngoài để định cư. Đối tượng được hưởng lương hưu cũng bổ sung thêm lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 55 năm tuổi thì được hưởng lương hưu. Tỷ lệ hưởng lương hưu cũng được điều chỉnh, Luật mới quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH, người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm (trước đó là 25 năm) đối với nữ và 35 năm (trước đó là 30 năm) đối với nam mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
Về BHXH 1 lần, từ năm 2014 tăng mức trợ cấp BHXH 1 lần cho mỗi năm đóng BHXH từ 1,5 lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tiền lương đã đóng BHXH cũng được điều chỉnh, đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động không phân biệt người lao động thuộc khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước.
Doanh nghiệp chịu tác động “kép”
Từ ngày 1-1-2016, người tham gia BHXH thuộc cơ quan Nhà nước được lấy mức lương bình quân 15 năm cuối để tính hưởng lương hưu, thay vì bình quân năm năm cuối như trước. Mức tiền làm căn cứ đóng BHXH được quan tâm nhất. Nếu trước đây chỉ tính theo mức lương cơ bản thì từ năm 2016 sẽ cộng thêm các khoản phụ cấp, đến năm 2018 sẽ tính trên tổng thu nhập gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Đây là một thay đổi quan trọng bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi về hưu. Ngoài ra, các chế độ trợ cấp rủi ro khác như tai nạn, ốm đau, thất nghiệp và chế độ thai sản sẽ cao hơn đáng kể. Do đó, đây là quy định có lợi cho người lao động.
Theo cách tính đóng bảo hiểm mới, với một người làm doanh nghiệp có mức lương và các khoản phụ cấp, phụ thu khoảng 25 triệu đồng/tháng, nếu trích đóng vào quỹ BHXH 10,5% lương lãnh thực tế thì đóng số tiền khoảng 2,6 triệu đồng. Trong khi đó, hiện nay, các công ty thường “lách luật” đóng BHXH cho người lao động này chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng (mức lương tối thiểu). Như vậy, nếu xảy ra thất nghiệp, thì mức nhận bảo hiểm thất nghiệp của người này chỉ khoảng 13 triệu đồng (3 tháng x 60% mức lương đóng BHXH). Trong khi, nếu đóng bảo hiểm theo đúng thu nhập thực tế, mức lĩnh bảo hiểm thất nghiệp sẽ lên tới gần 50 triệu đồng.
Như vậy, với cách tính đóng BHXH mới, chịu tác động lớn nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày. Mức đóng BHXH mới tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp khi họ phải chịu tác động kép: tăng lương tối thiểu vùng hằng năm (năm 2016 tăng 12,4%) và mức đóng BHXH (lương hợp đồng + phụ cấp).
Thực tế, doanh nghiệp thường xây dựng hai thang bảng lương. Một bảng lương gồm lương cơ bản theo quy định của Nhà nước cộng với các hệ số khác như: thâm niên, chức vụ, tay nghề và thường dựa vào bảng lương này để tính đóng BHXH. Một bảng lương thứ hai là theo hiệu quả sản xuất kinh doanh (lương mềm). Tại nhiều công ty, phần lương mềm nhiều hơn phần cứng. Do đó, nếu cộng gộp cả hai bảng lương này để tính đóng BHXH thì chi phí của nhiều doanh nghiệp sẽ đội lên rất lớn.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức đóng góp vào BHXH của doanh nghiệp cao, 22%; tức cứ 10 đồng lương thì doanh nghiệp phải trả 2,2 đồng BHXH. Mức tăng năng suất lao động trung bình hiện nay chỉ 3,5%, trong khi đó chỉ tính riêng lương tối thiểu vùng đã tăng 12,4%, cộng thêm quy định đóng BHXH mới sẽ khiến doanh nghiệp đứng trước bài toán rất khó. Điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tính vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Anh Khoa - Minh Triết