Dính nghi án chuyển giá, trốn thuế mới đây PepsiCo bị truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Khi nào đến lượt Coca Cola?

 


Cho dù liên tục kêu lỗ như vậy song, trong kế hoạch 3 năm tiếp theo của công ty này, Coca Cola vẫn dự kiến đầu tư thêm 300 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này khiến Coca Cola không tránh khỏi nghi án chuyển giá.

Không chỉ dính nghi án chuyển giá, trốn thuế Coca Cola còn bị cho là đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam để tham lam mở rộng đất đai cho các cơ sở sản xuất của mình.

Nghi án chuyến giá, trốn thuế của Coca Cola bị dư luận trong nước lên án mạnh mẽ. Một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam thẳng thắn từ chối sản phẩm của Coca Cola. Thêm vào đó, với tuyên bố của cơ quan thuế sẽ thanh tra tình hình sản xuất kinh doanh của Coca Cola, dù chưa có kết quả nhưng dư luận ít ra cũng sẽ nhận được một “đáp án” sau quá trình thanh tra của cơ quan thuế.

Dù cho đang thành công với chiến lược PR in tên khách hàng trên vỏ lon Coca Cola nhưng bên cạnh đó, nghi án một doanh nghiệp nước ngoài trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế, bào mòn nhân công tài nguyên của Việt Nam mà không muốn đóng thuế một lần nữa được dư luận nhắc lại mạnh mẽ hơn.
Vậy bao giờ nghi án trốn thuế của Coca Cola được phơi bày? Phải khẳng định việc cơ quan quản lý chậm đưa ra kết luận thanh tra nghi án chuyển giá trốn thuế của Coca Cola cho thấy bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, luật pháp có thể cần thời gian để làm sáng tỏ sự thật nhưng đã có những cách ứng xử cho thấy, chính quyền, người tiêu dùng Việt Nam không đồng tình nếu anh có dấu hiệu gian dối. Trên thực tế, cho rằng Coca Cola lợi dụng chính sách ưu đãi đất đai để mở rộng quy mô sản xuất, thành phố Đà Nẵng tuyên bố dứt khoát không cho phép hãng này thuê thêm đất để mở thêm bất cứ cơ sở nào tại đây.

Người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay Coca Cola cùng với những hành động như của Đà Nẵng liệu sẽ khiến Coca Cola thay đổi suy nghĩ?

ThS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam ví von: Một cách đơn giản cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam như những người chủ sở hữu ngôi nhà tiêu dùng Việt Nam.

Các công ty như Coca Cola là các vị khách tới ngôi nhà tiêu dùng Việt Nam. Nếu chính những ông chủ - khách hàng tiêu dùng còn không quan tâm tới chính bản thân mình khi tiếp tay quảng bá cho những công ty dính nghi án sai phạm thì làm sao các vị khách lại tuân thủ luật pháp và các qui ước?

Thái độ bàng quan, không quan tâm tới chính cộng đồng tiêu dùng Việt Nam của một bộ phận khách hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ là một thông điệp xấu - không có trách nhiệm xã hội. Và điều gì sẽ xảy ra, các vị khách khác và các vị khách sắp tới sẽ nhìn thấy vị khách Coca Cola và tiếp tục.

Chúng ta than phiền rất nhiều về mọi việc xuống cấp trong xã hội, môi trường Việt Nam nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi đã làm được điều gì để cho môi trường và xã hội đó tốt lên chưa. Ngay từ việc nhỏ và đơn giản thay vì mua sản phẩm như Dasani, Samurai, Schwepps, Fanta, Minute Maid, Coke hãy mua những sản phẩm tương tự của Vinamilk, Masan, Dr Thanh, Vĩnh Hảo hay các sản phẩm các công ty FDI đàng hòang khác hay chưa?

Nếu không làm những điều nhỏ nhất như vậy thì môi trường xã hội, kinh doanh tại Việt Nam - ngôi nhà tiêu dùng chung của chúng ta sẽ chỉ ngày càng trở nên tệ hại hơn. Hãy chung tay quét dọn và chấn chỉnh những vị khách không tốt bụng như Coca Cola trong ngôi nhà tiêu dùng Việt Nam của chúng ta.

 

Theo GDVN

.