Ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước khi cổ phần hóa doanh nghiệp
Cập nhật lúc 01:10, Thứ sáu, 24/03/2017 (GMT+7)
Với những điểm đổi mới cơ bản, Dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được dư luận rất quan tâm. Ông Đặng Quyết Tiến- Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho hay, dự thảo sau khi được Chính phủ xem xét, ban hành sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng trong thời gian tới có hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. ( cổ phần hóa, nhà nước , doanh nghiệp, tài sản )
(BVPL) - Với những điểm đổi mới cơ bản, Dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được dư luận rất quan tâm. Ông Đặng Quyết Tiến- Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho hay, dự thảo sau khi được Chính phủ xem xét, ban hành sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng trong thời gian tới có hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, đây có thể coi là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá trong thời gian qua. Để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, theo ông Tiến, dự thảo Nghị định đã quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công ty cổ phần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Quy định Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.
Một điểm mới nữa đó là xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước như: bổ sung hướng dẫn xử lý tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam sau khi công ty liên doanh kết thúc thời hạn hoạt động trong trường hợp Hợp đồng (Giấy phép đầu tư) góp vốn liên doanh có điều khoản “kết thúc thời hạn hoạt động của công ty liên doanh, toàn bộ tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam” theo hướng khi liên doanh kết thúc, giá trị tài sản chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam quản lý theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải công bố công khai cho các nhà đầu tư biết và quy định rõ trong biên bản bàn giao và điều lệ công ty cổ phần nội dung này. Đối với cổ phiếu doanh nghiệp cổ phần hóa nhận được mà không phải trả tiền, dự thảo Nghị định quy định rõ căn cứ số lượng cổ phiếu nhận được để ghi tăng vốn nhà nước (theo giá được xác định lại), đồng thời ghi tăng giá trị khoản đầu tư tài chính.
Đối với chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá, về cơ bản chính sách ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp đã được kế thừa và duy trì qua các giai đoạn. Dự thảo Nghị định điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (bao gồm cả người lao động tại các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ - doanh nghiệp cấp II - chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác) được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước. Dự thảo Nghị định cũng điều chỉnh theo hướng người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị một (01) cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần), phần giá trị ưu đãi này được trừ vào vốn nhà nước khi quyết toán và người lao động phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị một cổ phần theo mệnh giá.
Dự thảo Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building) ngoài 03 phương thức bán cổ phần lần đầu hiện hành là: đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp.
Ngoài ra, theo ông Đặng Quyết Tiến, do đối tượng cổ phần hoá trong thời gian tới là các doanh nghiệp có quy mô lớn và hoạt động trong những ngành, lĩnh vực đặc thù nên dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm nội dung Kiểm toán nhà nước để kiểm toán lại kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các tồn tại về tài chính trong giai đoạn này đối với: Công ty mẹ thuộc Tập đoàn kinh tế nhà nước; Các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm công ty mẹ thuộc Tổng công ty nhà nước, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có vốn chủ sở hữu theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp từ 5.000 tỷ đồng trở lên; Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàng Trâm
.