Đó là ý kiến của bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại “Diễn đàn Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 2014”.
 


“Lợi ích chính sách không đến ngẫu nhiên, mà DN cần chủ động cập nhật để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, các DN cần có kế hoạch kinh doanh rõ ràng và dài hạn” - bà Hằng lưu ý.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, lo ngại về sự trồi sụt của dòng vốn xã hội ở 2 thị trường bất động sản và chứng khoán, trong khi chưa có công cụ hữu hiệu có thể điều tiết trong những năm tới.

“Việc đa số các DN nội dù nỗ lực, nhưng vẫn gục ngã trước các tập đoàn lớn trên thế giới (họ sẵn sàng lỗ kế hoạch trong một thời gian để các DN Việt không theo được và tự rút lui, hay sẵn sàng và lách luật chi cho quảng cáo nhằm chiếm lĩnh thị trường) – ông Sơn nói.

Từ đó, ông Sơn đề xuất xem xét kỹ các DN có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, cần có quyết sách ban hành danh mục các mặt hàng có thể nhập khẩu và số còn lại phải dùng hàng Việt khi dùng ngân sách... Ông Sơn cho rằng, để có sự cạnh tranh cho dòng vốn đầu tư chảy về Việt Nam, mức thuế thu nhập DN hiện nay (20%) chưa đủ sức hấp dẫn. Cộng đồng DN mong muốn tiếp tục có sự điều chỉnh giảm xuống còn 15%, và làm sao để thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ trong điều tiết thị trường tiêu dùng lãng phí.

Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết, năm 2013, có gần 77.000 DN nhỏ và vừa đăng ký thành lập. Tuy nhiên có tới 51.000 DN dừng hoạt động và 10.000 DN giải thể. Quá trình tham gia các hiệp định thương mại sẽ tạo ra nhiều thách thức cho DN nhỏ và vừa Việt Nam, khi năng lực cạnh tranh còn yếu kém.

Theo ông, năm 2014, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tiến trình cải cách DN nhà nước, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa DN nhà nước và tăng sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo cơ hội cho nhiều DN, đặc biệt ưu tiên nhóm DN nhỏ và vừa tăng trưởng, quay trở lại hoạt động, đón dòng đầu tư nước ngoài.
 

Theo Tiền phong

.