Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, heo rừng chỉ thích hợp phát triển ở vùng đồi núi và Tây nguyên. Tuy nhiên, với niềm đam mê, một “nông dân trẻ” ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp đã đầu tư và phát triển thành công mô hình nuôi heo rừng. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hộ chăn nuôi lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.


Quả thật, trang trại với quy mô tổng đàn khoảng trên 400 con, nhưng khi bước vào khu vực chuồng trại, chúng tôi không thấy có mùi khó chịu từ chất thải của đàn heo. Để tạo môi trường thông thoáng gần giống với môi trường ngoài tự nhiên của heo rừng, khu vực chuồng được thiết kế khá bài bản và khoa học. Với tập tính ưa di chuyển, thích bới, ủi, đệm lót sinh học là giải pháp hữu hiệu được chủ trang trại chọn lựa do mô hình này giúp kiểm soát tốt chất thải, từ đó các mầm bệnh cũng được cách ly hiệu quả.

Hiện tại, mặc dù heo rừng của anh Dinh nuôi ở đồng bằng, nhưng do được kiểm soát tốt từ khâu giống đến qui trình sản xuất nên chất lượng heo rừng của trang trại này được nhiều khách hàng ở Tây Nguyên và nhiều tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh Dinh có thể cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 con heo rừng các loại.

Anh Dinh tâm sự: khi Việt Nam tham gia TPP, ngành chăn nuôi sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn từ những mặt hàng chăn nuôi giá rẻ của các cường quốc lớn. Tuy nhiên, tôi tin tưởng với sản phẩm đặc thù như heo rừng và có bước chuẩn bị tốt về sản xuất theo hướng an toàn thì sản phẩm thịt heo rừng vẫn có phân khúc thị trường ổn định”.

Ông Huỳnh Thành Tâm - Trưởng trạm Thú y huyện Châu Thành cho biết, những năm gần đây, một vài nông hộ ở huyện Châu Thành phát triển thành công mô hình nuôi heo rừng. Bước đầu nhận thấy, mô hình này phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân địa phương. Nông hộ có thể tận dụng lao động nhàn rỗi trong gia đình cũng như nguồn thức ăn có sẵn nên so với những mô hình chăn nuôi khác thì mô hình này có nhiều thuận lợi. Ngoài ra, nhờ sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên và heo được vận động nhiều nên sản phẩm thịt heo rừng rất chất lượng, hấp dẫn người tiêu dùng.

Hiện tại, trang trại chăn nuôi heo rừng của anh Dinh đang được nâng cấp và mở rộng qui mô sản xuất theo hình thức cùng liên kết với nông dân.

Theo đó, trang trại của anh Dinh sẽ cung cấp heo giống, hỗ trợ kỹ thuật thú y và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Theo tính toán, sau khoảng 4 - 6 tháng, các hộ chăn nuôi có thể lãi khoảng 1 triệu đồng/con. Ý tưởng cùng nhau làm giàu và phát triển trên mảnh đất quê hương cũng là mơ ước mà “anh nông dân trẻ” này ấp ủ.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.