Được người bạn thân ở cùng phòng trọ thuyết phục tham gia vào hệ thống đa cấp của Toàn Thắng Alomart để "chớp" cơ hội làm giàu, tin tưởng bạn thân, chị Trần Thị Diệu Uyên đã vay gần 300 triệu đồng để "mua" 33 mã hàng của Toàn Thắng Alomart. Tuy nhiên, thay vì những trăm triệu chảy vào túi, vài tháng nay, Uyên chỉ nhận được hơn triệu/tháng...

 

Tin bạn...

 

Thuật lại câu chuyện, Uyên chua chát nói: "Cũng vì em tin bạn ở cùng phòng đang làm trong Toàn Thắng Alomart nên em mới vay mượn cả vài trăm triệu đồng để ký hợp đồng đa cấp với Toàn Thắng Alomart dưới hình thức nhà phân phối. Bạn em tên Thanh, tham gia vào hệ thống đa cấp của Toàn Thắng Alomart trước em. Bạn em biết rõ là em có chút tiền nhưng không có thời gian đi làm nên đã thuyết phục em là: cứ tham gia, không cần phải làm gì vì Toàn Thắng Alomart có tiền tri ân cho người tham gia và hệ thống vào công ty sau em, dù em không giới thiệu nhưng em vẫn nhận được tiền hoa hồng từ việc họ tham gia. Tin bạn nên em vay mượn thêm để tham gia 39 mã vào công ty. Tổng số tiền em tham gia vào là 360 triệu đồng".

 

"Khi tham gia, Thanh và những người trong công ty nói với em là sẽ được cùng chia 2% tổng doanh thu của công ty hàng tháng. Với hàng ngàn lượt mã tham gia thì đây là con số rất lớn. Ngoài ra, em còn được hưởng hoa hồng từ các mã rơi từ những người tham gia vào công ty sau em dù em không giới thiệu. Nếu em có thể mời được người khác vào theo em thì em được hưởng trực tiếp hoa hồng còn lớn hơn", vẫn lời Uyên.

 

Vào cùng đợt với Uyên và là tuyến dưới của Thanh, Lưu Thị Ngọc Ngân (25 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng "đầu tư" vào Toàn Thắng Alomart 39 mã với số tiền 360 triệu đồng từ tháng 6/2015. "Em vào công ty do có một người bạn của em đã làm ở đây từ trước, bạn đó ra sức thuyết phục em tham gia", Ngân nói.

 

Mất tiền

 

Sau khi tham gia đóng tiền vào mua 33 mã sản phẩm của Toàn Thắng Alomart, Uyên và Ngân không biết dùng sản phẩm trên vào việc gì. "Mỗi mã sản phẩm lại bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau như tỏi đen, nước sâm, nước yến... em cũng chẳng biết phải dùng những sản phẩm trên vào việc gì nên ngay từ khi tư vấn, những người trong Toàn Thắng Alomart đã nói với em là làm thủ tục ký gửi lại sản phẩm", Ngân nói.

 

Uyên cũng kể câu chuyện tương tự và cho biết thêm: hầu hết những người tham gia ký nhiều mã tại công ty này đều ký gửi lại sản phẩm. Toàn Thắng Alomart nói sản phẩm phải bảo quản tốt, ở kho chuyên dụng của công ty thì mới không hỏng.

 

"Tháng đầu tiên, em nhận 71 triệu đồng bao gồm các khoản tiền giới thiệu trực tiếp, tiền tri ân và tiền phát triển hệ thống. Tháng thứ 2 em lĩnh 51 triệu đồng. Tháng thứ 3 thì sụt mạnh nhưng vẫn còn được nhận 16 triệu đồng. Nhưng từ 3 tháng gần đây, mỗi tháng em được lĩnh tổng cộng hơn triệu đồng/tháng", Uyên cho hay.

 

"Em cũng trong cảnh phú quý giật lùi như Uyên. Sau mấy tháng đầu tưng bừng vài chục triệu/tháng thì ba tháng gần đây, em chỉ lĩnh được hơn triệu/tháng", Ngân xác nhận.

 

“Thực ra, về căn bản là lấy mỡ nó rán nó anh à! Tiền em nhận được trong tháng đầu tiên là nhiều nhất thì chính là tiền hoa hồng trực tiếp em được hưởng do em có thành tích trực tiếp tham gia 1 mã và trực tiếp giới thiệu 32 mã còn lại. Với 32 mã này em được nhận 1 triệu đồng/1 mã. Các tháng sau thì khoản tiền này chẳng còn nên cũng hao hụt dần. Tiền tri ân thì chỉ có hơn triệu đồng/tháng chứ chẳng có tiền tỷ nào đâu”, Uyên chua chát nói.

 

Trốn chạy

 

Sau khi nhận ra cảnh “phú quí giật lùi”, Uyên và Ngân dần tìm hiểu những quy định pháp lý về hoạt động đa cấp. Lúc này, Uyên và Ngân mới ngả ngửa ra khi biết những hoạt động tại Toàn Thắng Alomart có nhiều điểm trái quy định của pháp luật, Uyên và Ngân đã làm đơn kêu cứu đến tòa soạn Báo Người Tiêu Dùng để mong nhận được sự trợ giúp. Sau khi nhận được đơn này, nhóm PV đã có những hoạt động tác nghiệp điều tra, xác minh và thấy các tố giác trên là có cơ sở. Ngày 28/12/2015, PV đã trực tiếp liên hệ làm việc với Toàn Thắng Alomart để xem cách giải quyết của công ty này với Uyên và Ngân. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, Toàn Thắng Alomart luôn khất lần rồi “ỉm” hẳn chuyện này dù trước đó đã hứa sẽ sớm giải quyết.

 

Rõ ràng việc giải quyết hợp đồng giữa Ngân, Uyên với Toàn Thắng Alomart là câu chuyện độc lập giữa hai bên và cần giải quyết đúng tinh thần pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của hai bên. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực liên hệ công tác, Toàn Thắng Alomart vẫn lẩn tránh báo chí, không trả lời về vấn đề này.

 

Vậy Toàn Thắng Alomart đã “giẫm đạp” lên các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp như thế nào? Ý kiến của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của Toàn Thắng Alomart ra sao? Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia pháp lý để chuyển tải thông tin trên tới bạn đọc.

 

Theo NTD

.