Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã tạo cho Tiền Giang 4 mùa cây trái xanh tươi, trĩu quả, phục vụ tích cực cho nhu cầu thị trường trái cây trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sầu riêng là một trong những loại trái cây chủ lực được tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển. Chính vì hiệu quả mang lại cao nên diện tích sầu riêng cũng nhanh chóng tăng lên, nhiều nông dân đã trở thành “triệu phú”, “tỷ phú” từ loại trái cây này.
 


Cây ăn trái chủ lực của tỉnh   

Trong những năm qua, ngành chức năng của huyện Cai Lậy cũng như tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc phát triển cây sầu riêng. Bởi loại cây này ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy, toàn huyện hiện có 7.500 ha sầu riêng, tập trung ở các xã: Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Trung, Long Tiên, Cẩm Sơn, Hội Xuân…

Bà Tuyến cho biết: “Chúng tôi đã quy hoạch được vùng trồng sầu riêng chuyên canh trên địa bàn huyện. Thời gian tới, ngành chức năng tập trung phát triển vùng trồng sầu riêng theo hướng VietGAP, sản xuất rải vụ, hình thành thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã…

Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào địa bàn huyện để mở các điểm thu mua, sơ chế, tạo sự cạnh tranh lành mạnh về giá cả. Dần dần, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến trái sầu riêng khi giá xuống thấp. Có như vậy nông dân mới nâng cao thu nhập và yên tâm sản xuất”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong những năm qua, ngành đã tập trung nâng cao chất lượng cây giống nhằm đáp ứng nhu cầu về cây giống tốt, sạch bệnh, có khả năng kháng sâu bệnh, giá trị thương phẩm cao; đồng thời nâng cao trách nhiệm, vai trò của các nguồn cung cấp giống nhằm giúp nông dân lựa chọn cây giống phù hợp.

Đẩy mạnh tiến độ chuyển đổi giống, thay thế các giống sầu riêng hiệu quả không cao bằng các giống hạt lép. Phát huy vai trò của khuyến nông trong việc hướng dẫn kỹ thuật canh tác nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm an toàn, đồng đều về chất lượng.

Tăng cường ứng dụng kỹ thuật nhằm sản xuất tránh vụ, cân đối cung - cầu, tránh rớt giá khi đến mùa thuận. Ngăn ngừa và kiềm chế ảnh hưởng của bệnh chảy nhựa, hạn chế thiệt hại và lây lan bệnh đến mức thấp nhất. Nâng cao ý thức và khuyến khích nông dân vận dụng quy trình sản xuất sạch, thực hiện đúng theo quy trình cần được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm sạch để phân biệt với các sản phẩm thông thường.

Nhận thấy được hiệu quả của trái sầu riêng trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã chọn sầu riêng là một trong những loại trái cây chủ lực của tỉnh. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh, vùng trồng sầu riêng được quy hoạch trên 3.000 ha và tổ chức lại sản xuất, gắn kết chuỗi giá trị sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Ngoài ra, để việc trồng cây ăn trái ở Tiền Giang hội nhập mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, tỉnh thực hiện nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cho ngành Nông nghiệp. Theo đó, Tiền Giang tập trung vào các nhóm giải pháp như:

Nhóm giải pháp về quy hoạch, lập đề án, dự án; nhóm giải pháp về tái cơ cấu ngành; nhóm giải pháp về chính sách; nhóm giải pháp về thanh tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cây ăn trái. Tỉnh đầu tư thâm canh, chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật, khoa học - công nghệ nhằm giảm chi phí, nâng chất lượng trái cây gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, tăng thêm thu nhập cho người dân và bảo vệ tốt môi trường.

 

Theo Báo Ấp Bắc

.