Giữa thông tin bà Xuân tố cáo và trong thông cáo báo chí do VPBank phát đi có rất nhiều mâu thuẫn.
 
Những nghịch lý và nghi vấn
 
Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân cung cấp thông tin, tháng 3/2015, bà có mở tài khoản tại chi nhánh VPBank để giao dịch thanh toán tiền hàng với khách hàng.
 
Hồ sơ thủ tục mở tài khoản có mẫu chữ ký chủ tài khoản và con dấu công ty, được dùng làm hồ sơ gốc để đối chứng cho các giao dịch sau đó.
 
Tuy nhiên, sau đó, tài khoản của công ty này liên tục bị rút tiền thông qua séc, với chữ ký và con dấu được ngân hàng khẳng định là giống như mẫu. Trong khi đó, khách hàng Thanh Xuân khẳng định chữ ký này không phải của mình. Từ đây, nghi vấn hồ sơ giả mạo chữ ký và con dấu được đặt ra.
 
Đến tháng 7/2015, bà Xuân phát hiện các khoản tiền bị rút từ séc bởi ba người liên quan, trong đó có một kế toán của công ty là ông Phạm Văn Trinh.
 
Bản sao giấy đề nghị mua 2 quyển séc do nhân viên ngân hàng nhận.
Bản sao giấy đề nghị mua 2 quyển séc do nhân viên ngân hàng nhận.
 
Ngay sau đó, ngày 25/8, VPBank đã có thông cáo báo chí nói rõ sự việc, trong đó, có thông tin, phát hiện sự việc từ tháng 7/2015, nhưng theo VPBank, đến tháng 10/2015, khách hàng này mới có những phản ánh đầu tiên lên ngân hàng.
 
Thay vì yêu cầu kiểm tra từ phía ngân hàng trước, khách hàng Xuân lại gửi đơn tố giác tới Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM ngay từ tháng 9/2015.
 
Thậm chí, khách hàng không hợp tác giải quyết vấn đề, khi từ chối có mặt vào ngày 30/10/2015 để đối chất ba bên cùng ngân hàng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
 
Nhưng bà Xuân lại cho biết, đã yêu cầu sự phối hợp giải quyết của ngân hàng từ tháng 7/2015 những không nhận được phúc đáp, nên phải tìm đến cơ quan công an.
 
Trong thời gian làm việc với ngân hàng, nữ giám đốc này chỉ nhận được câu trả lời "nhân viên (người bán séc cho 3 đối tượng để rút tiền từ tài khoản của Quang Huân) đã nghỉ việc nên không thể hồi tố".
 
Một thông tin khác được bà Xuân cung cấp, đó là số tiền mà công ty Quang Huân bị rút không đúng luật lên tới 26 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, thông cáo báo chí của VPBank chỉ ghi nhận số tiền thiệt hại là 11,3 tỷ đồng theo đơn tố cáo ban đầu của nữ giám đốc này đến ngân hàng vào ngày 20/9/2015.
 
Bà Trần Thị Thanh Xuân đưa ra các chứng từ chứng minh có sự khác biệt giữa các chữ ký. Ảnh Tuổi Trẻ
Bà Trần Thị Thanh Xuân đưa ra các chứng từ chứng minh có sự khác biệt giữa các chữ ký. Ảnh Tuổi Trẻ
 
Một chi tiết khác, đó là trong đơn tố cáo và trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Thanh Xuân khẳng định không hề nhận được bất cứ một tin nhắn thông báo thay đổi số dư tài khoản nào từ VPBank.
 
Nhưng Ngân hàng này khẳng định, dịch vụ SMS Banking của ngân hàng vẫn hoạt động bình thường.
 
Cựu kế toán phủ nhận làm giả hồ sơ trong vụ công ty báo mất 26 tỷ đồng
 
Mặt khác, về phía cá nhân, ông Phạm Văn Trinh - Kế toán của công ty Quang Huân lại khẳng định không làm giả hồ sơ.
 
Theo biên bản làm việc giữa ông Trinh và ngân hàng từ tháng 11/2015, nay đã được gửi lên cơ quan điều tra PC 64, ông Trinh thừa nhận chữ ký trên bộ hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân tại VPBank là của mình, do bà Trần Thị Thanh Xuân "nhờ ký thay cho tiện".
 
Ông Trinh cho hay, tất cả lần rút tiền đều theo chỉ đạo của bà Xuân và ông đã giao tiền cho bà này dưới sự chứng kiến của người khác. Dù nhận chữ ký khi mở tài khoản, cũng như trong các lần rút tiền (qua séc) tại VPBank là của mình nhưng ông Trinh khẳng định người giữ dấu của Công ty Quang Huân là bà Xuân.
 
"Khi mở tài khoản, bà Xuân yêu cầu qua điện thoại và nhờ tôi ký hộ. Con dấu khi ấy được giao cho con bà cầm, cùng tôi tới ngân hàng. Còn những lần chuyển tiền sau này, tất cả do bà Xuân đóng dấu", ông Trinh chia sẻ báo chí.
 
Vị này cũng cho biết bắt đầu làm việc kế toán cho Quang Huân từ tháng 10/2014 và không có quan hệ thân thiết trước đó với bà Xuân. Hiện ông Trinh đã nghỉ việc tại công ty này.
 
Công an đang vào cuộc làm rõ
 
Trong một diễn biến liên quan, trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc khách hàng VPBank bị rút ruột 26 tỉ đồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo giao công an TP triển khai nắm tình hình, xử lý nghiêm vụ việc, báo cáo nhanh UBND TP.
 
Công văn số 8522/VP-KT của UBND TPHCM yêu cầu NHNN Chi nhánh TPHCM phối hợp, hỗ trợ công an TP để giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ khách hàng VPBank bị rút ruột 26 tỉ đồng và báo cáo Thống đốc NHNN và UBND TPHCM những vấn đề vượt thẩm quyền để xử lý.
 
Về phía, PC46 Công an TPHCM đã bắt đầu tiến hành điều tra, xác minh đơn thư phản ánh của khách hàng Trần Thị Thanh Xuân.
 
Ngày 24/8, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Long, Phó TGĐ Ngân hàng VPBank cho biết VPBank cam kết phối hợp chặt chẽ với Cơ quan công an để làm sáng tỏ vụ việc.
 
So sánh chữ ký của kế toán và giám đốc Công ty Quang Huân.
So sánh chữ ký của kế toán và giám đốc Công ty Quang Huân.
 
Hiện vụ việc đang trong giai đoạn điều tra. VPBank đang phối hợp cung cấp hồ sơ theo các văn bản theo đúng quy định pháp luật, đồng thời khẩn trương báo cáo sự việc tới Ngân hàng nhà nước.
 
Cách phản ứng của nhiều ngân hàng: Đổ lỗi cho khách và nhân viên
 
Có thể thấy kể từ ngày VPBank mời các bên đến giải quyết là từ tháng 10/2015, đến nay là 8/2016, đã gần 1 năm, nhưng lần này sau khi bà Xuân lên tiếng trên báo chí thì ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt chỉ sau 1 ngày.
 
VPBank được cho là giải quyết thiếu hợp lý trong sự vụ này, khi ngân hàng để vụ kiện của khách kéo dài tới hơn 1 năm mà không có kết luận cuối cùng. Ngân hàng này chỉ thực hiện các nghiệp vụ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và PC46 với các văn bản trả lời rời rạc vào tháng 11/2015, tháng 7/2016 và tháng 8/2016.
 
Trước đó, sau hàng loạt các sự cố Ngân hàng xảy ra gần đây, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Cao Sỹ Kiêm cho rằng, kinh nghiệm các Ngân hàng trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng, bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của Ngân hàng là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát.
 
“Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của khách hàng, Ngân hàng trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi phải của ai sẽ làm rõ sau đó", ông Kiêm nói rõ.
 
Tuy nhiên, theo ông Kiêm, hiện cách giải quyết phổ biến của các Ngân hàng VN là trốn tránh trách nhiệm và sợ đền bù. Khi sự cố xảy ra, nhiều Ngân hàng hành xử theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, trong khi quy định pháp luật chưa rõ ràng, khiến người tiêu dùng lâm vào thế yếu.
 
Cách hành xử này không sòng phẳng và rất nguy hiểm cho chính hình ảnh Ngân hàng. 
 
Theo baodatviet.vn
.