Triển vọng phát triển lạc quan   

Những tháng đầu năm 2020, bên cạnh việc được ca ngợi về kỳ tích chống dịch, Việt Nam còn được các tổ chức quốc tế cùng những kênh truyền thông hàng đầu đưa ra cái nhìn lạc quan về triển vọng hồi phục của nền kinh tế với 96 triệu dân.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới 2020” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 14/4 nhận định, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN, đồng thời tin tưởng nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á sẽ nhanh chóng phục hồi lên mức 7% vào năm 2021.

leftcenterrightdel
 Các tổ chức quốc tế đều có cái nhìn lạc quan về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam
Cùng chia sẻ góc nhìn tích cực, trong Bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại sau khi các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc được nới lỏng từ ngày 23/4.

Việc duy trì sự ổn định của ngoại thương, cân đối tài khóa cũng như sự ổn định của hệ thống tài chính không chỉ giúp giảm thiệt hại liên quan đến cuộc khủng hoảng Covid trong ngắn hạn, mà còn giúp Việt Nam duy trì vị thế trước đây, trong đó, nền kinh tế sẽ sớm được phục hồi thông qua nhiều hành động linh hoạt và quyết đoán khi cuộc khủng hoảng qua đi”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định.

Sức bật của kinh tế Việt Nam sau đại dịch cũng gây ấn tượng mạnh với truyền thông quốc tế. CNBC, trang thông tin kinh tế - tài chính hàng đầu của Mỹ, dẫn lời các chuyên gia quốc tế nhận định, dù không tránh khỏi tác động của Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 sẽ không rơi vào suy thoái nhờ các biện pháp kiểm soát hiệu quả từ biên giới và cách ly xã hội kịp thời.

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam còn hưởng lợi nhờ chuỗi cung ứng dần được đa dạng hóa do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, Sian Fenner, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Oxford Economics, nói với CNBC.

Trước đó, hãng tin Bloomberg (Mỹ) đã nhận thấy khả năng bùng nổ của kinh tế Việt Nam, khi quốc gia Đông Nam Á đang trở một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 7,2% trong năm 2019, trong đó, 24,6 tỷ USD chảy vào lĩnh vực sản xuất.

Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất chấp sự bùng phát của Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam với 12,33 tỷ USD vốn đăng ký được ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2020, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Xét về giá trị, vốn ngoại đổ vào Việt Nam vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016 - 2018.  

Bán lẻ thích ứng và bùng nổ

Theo các chuyên gia, trong dự báo về sự phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, bán lẻ sẽ là lĩnh vực đóng vai trò vô cùng quan trọng, mặc dù đây cũng là một trong những ngành nhạy cảm nhất và chịu tổn thất nặng nề nhất trong giai đoạn “đại phong tỏa” vì dịch bệnh.

Bà Vũ Thị Hậu (Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam) nhận định, ngành bán lẻ không chỉ rất biết thích ứng với sự biến đổi của xã hội mà còn có tốc độ hồi phục nhanh hơn các ngành khác, nhờ những tiềm năng sẵn có cũng như những triển vọng được mở ra sau dịch bệnh.

Đó là triển vọng về việc giữ được độ hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại, triển vọng về sự thích nghi với thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng và triển vọng về đáp ứng hàng hóa của nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu”, bà Hậu đánh giá.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại nhìn nhận, ngay cả dưới tác động của Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn giữ được “phong độ” là 1 trong 5 thị trường có tiềm tăng nhất của khu vực và thế giới. Lợi thế đó có được là do Việt Nam có một lực lượng người tiêu dùng trẻ với 2/3 dân số ở ngưỡng tuổi dưới 30 và có kết nối mạng. Thu nhập của người dân đang tăng lên với khoảng 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm.

Bên cạnh đó, lối sống của người Việt với thói quen sử dụng thực phẩm tươi, văn hóa chuộng giao lưu và sở thích mua sắm hàng hóa trực tiếp cũng tác động tích cực tới thị trường ngay sau khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Đây chính là những yếu tố mang tới sự phát triển ổn định cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

leftcenterrightdel
Người dân trở lại mua sắm tấp nập tại một Trung tâm thương mại ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ. 
Không giống sản xuất phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng không và du lịch phụ thuộc vào sự mở cửa của các nước, ngành bán lẻ chắc chắn sẽ phục hồi nhanh hơn vì phục vụ cuộc sống thiết yếu hàng ngày của người dân”, TS. Nguyễn Minh Phong lý giải. “Sau giãn cách xã hội, từ hàng phở, quán café cho đến các trung tâm thương mại lớn như Vincom, AEON Mall… đều chật kín người ăn uống, mua sắm, cho thấy tốc độ phục hồi và triển vọng của ngành bán lẻ là rất tốt.”

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, với hàng loạt chính sách hỗ trợ cùng các gói kích cầu của Chính phủ như: gói 180.000 tỷ đồng theo Nghị định 41 nhằm “tiếp sức” cho doanh nghiệp thông qua việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; gói 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; giảm giá điện và mới đây nhất là hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp… thì thị trường bán lẻ cũng được tiếp thêm luồng sinh khí mới.

Cùng với hoạt động sản xuất, sự nhộn nhịp của kinh doanh bán lẻ được coi là tấm gương phản chiếu tốc độ phát triển của nền kinh tế. Vì thế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích thêm, các gói hỗ trợ của Chính phủ dù trực tiếp hay gián tiếp đều phát huy tác dụng khi giúp duy trì được tổng cầu có khả năng thanh toán của xã hội.

Doanh nghiệp khi được hỗ trợ sẽ giảm chi phí, giá thành sản xuất, giúp kích thích tiêu dùng. Đồng thời, khi sản xuất phục hồi thì thu nhập của người dân tăng lên, tức là gián tiếp thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển”, ông Phong nói.

PV