Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với hàng loạt ưu đãi dành cho doanh nghiệp sản xuất trong ngành về vay vốn, thuế, đất đai...
 


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 - 2035. Các chính sách nêu tại Quyết định này thực hiện nhất quán trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Vay vốn ưu đãi, hỗ trợ xúc tiến thương mại

Theo quyết định, các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, lắp ráp ô tô và xe chuyên dùng của các doanh nghiệp trong nước được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Với doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và xe nguyên chiếc, được hưởng chính sách tín dụng xuất khẩu theo quy định hiện hành.

Doanh nghiệp sản xuất các dòng xe ưu tiên được hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.

Ngoài doanh nghiệp sản xuất, quyết định cũng ban hành kèm theo các ưu đãi cho người mua để kích cầu. Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, cá nhân mua xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn có sức chở đến 3 tấn; xe nông dụng nhỏ đa chức năng được hỗ trợ theo Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển; các dự án kinh doanh được nhà nước hỗ trợ chi phí hoạt động khi có sử dụng sản phẩm thuộc dòng xe ưu tiên áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước đối với các chủng loại xe ưu tiên mà trong nước đã sản xuất được. Trong trường hợp mua sắm các chủng loại xe ưu tiên mà trong nước đã sản xuất được bằng hình thức đấu thầu quốc tế hoặc nhập khẩu nguyên chiếc thì chi phí mua sắm không được tính là chi phí hợp lệ và chi phí hoạt động không được Nhà nước hỗ trợ bằng nguồn ngân sách.

Ưu đãi về thuế, đất đai

Quyết định cũng quy định, hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô; dự án sản xuất, lắp ráp ô tô tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Đối với các loại phụ tùng, linh kiện động cơ, hộp số, cụm truyền động, các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng, áp dụng thuế nhập khẩu ở mức trần các cam kết thuế quan mà Việt Nam đã tham gia theo quy định.

Áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) ở mức trần cam kết đối với các dòng xe ưu tiên và các dòng xe trong nước đã sản xuất được, phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đối với các FTA khác thực hiện theo đúng cam kết.

Dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động, mức ưu đãi đối với từng dự án cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các dự án đầu tư sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô được hưởng các ưu đãi về đất đai theo quy định pháp luật về công nghiệp hỗ trợ. Các dự án đầu tư có quy mô lớn sản xuất các dòng xe ưu tiên và các bộ phận động cơ, hộp số và cụm truyền động, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức ưu đãi hơn về tiền thuê đất (miễn, giảm) cụ thể đối với từng dự án.

Các dự án sản xuất, lắp ráp các dòng xe ưu tiên phát triển có quy mô lớn, ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi như trên sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ, ưu đãi đối với từng dự án cụ thể theo quy định của pháp luật về đầu tư.
 

Theo Dân trí

.