(BVPL) - Xu hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ cũng như yêu cầu của Tổ chức thương mại thế giới, Hải quan thế giới là phải rút ngắn thời gian làm thủ tục, để thông quan hàng hóa, tạo điều kiện tối đa về thời gian cho tổ chức và doanh nghiệp. Thế nhưng, ngày 31/12/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 19128/BTC-TCHQ (do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký), gửi Cục Hải quan và Cục Thuế các tỉnh thành, với quy định “Cơ quan Hải quan phải thực hiện kiểm tra thực tế 100% lô hàng khi nhập khẩu và kiểm tra thực tế 100% lô hàng khi tái xuất…”, “vô hình trung” là bước cản  về cải cách thủ tục hành chính, khiến nhiều mặt hàng ứ đọng tại cửa khẩu, nhất là với mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Lào, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh gỗ.

Doanh nghiệp mất tiền, mất cơ hội làm ăn với đối tác

Đó là thực trạng của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh gỗ từ Lào về Việt Nam ở các tỉnh miền Trung trong những ngày đầu năm 2015. Có mặt tại cửa khẩu La Lay (Quảng Trị), PV chứng kiến hàng trăm xe gỗ tròn, gỗ hộp từ Lào về Việt Nam đang nối đuôi nhau dồn ứ ở 2 bên cửa khẩu, riêng bãi tập kết phía Việt Nam thì đã… tắc cứng. Dưới gầm xe, các tài xế mắc võng ngủ với khuôn mặt mệt mỏi. Khi được hỏi, ai cũng cho biết là đã “ăn chực, nằm chờ” gần nửa tháng nay.

Tìm hiểu một số chủ doanh nghiệp đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Bình… PV được biết tình trạng “tắc” gỗ ở cửa khẩu là do Bộ Tài chính có công văn yêu cầu Hải quan các cửa khẩu phải bốc dỡ, kiểm tra 100% xe hàng thực tế. Trong lúc đó, lượng hàng gỗ từ Lào về Việt Nam thời gian này quá lớn, trong lúc quân số Hải quan không thay đổi.

 

1
Cán bộ Hải quan cửa khẩu đang phải vất vả kiểm tra thực tế từng khúc gỗ theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.


Lo lắng cho các doanh nghiệp thành viên, trực tiếp Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), ông Trần Phát Đạt đã có mặt tại cửa khẩu La Lay để nắm tình hình. Biết PV lên tìm hiểu, ông Đạt đã dẫn PV đi xem hàng trăm xe gỗ đang tắc nghẽn, nằm chờ nối dài ở cửa khẩu. Trực tiếp doanh nghiệp do ông làm giám đốc, cũng nằm “chết dí” 38 xe gỗ từ ngày 29/12/2014, đến nay vẫn chưa thể thông quan.

“38 xe gỗ công ty tôi nằm chết dí ở đây, mỗi ngày tôi mất đứt 2 triệu đồng tiền bến bãi, chi phí cho mỗi xe. Vậy mà cả tuần này chưa thông quan được. Đó chỉ là lô hàng nhỏ thôi đó, chứ sắp tới còn những lô hàng lớn hơn, lên đến hàng trăm xe gỗ thì thiệt hại không gì tính nổi?”- ông Đạt bức xúc.

Theo ông Đạt, thì ngoài chi phí thực tế mất đi khi gỗ nằm “chết dí” chờ thông quan ở cửa khẩu, thì chi phí vô hình mất đi còn lớn hơn rất nhiều, nhất là khi hàng hóa bị kẹt, thì sẽ khiến cho các kế hoạch sản xuất, hợp đồng xuất khẩu với đối tác bị ảnh hưởng. Đấy là chưa nói khi doanh nghiệp vi phạm thời gian hợp đồng với đối tác, sẽ bị hủy hợp đồng, phạt hợp đồng… Riêng người lao động tại công ty cũng bị ảnh hưởng, khi nguyên liệu không về, dẫn tới mất việc làm…

Mà những thiệt hại nêu trên không chỉ mỗi doanh nghiệp của ông Trần Phát Đạt gánh chịu, mà là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp khác ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị... Tất cả đang “ngồi trên đống lửa”, nhất là khi Tết Nguyên đán chỉ còn hơn tháng nữa.

Hải quan cũng gặp khó

Ghi nhận của PV tại cửa khẩu, thì không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn bởi hàng hóa ứ đọng, mà ngay cả lực lượng Hải quan cửa khẩu cũng gặp khó khăn, khi khối lượng công việc tăng đột biến, trong lúc nhân sự thì mỏng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Long- Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế La Lay cho biết, việc Bộ Tài chính có công văn chỉ đạo thì Hải quan bắt buộc phải thi hành, tuy nhiên, việc chấp hành đúng theo chỉ đạo mới đây của Bộ Tài chính sẽ khiến thời gian thông quan phải kéo dài, dẫn đến hàng hóa ách tắc là chuyện tất yếu.

Ông Long cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm là phải rút ngắn thời gian thông quan ngắn nhất có thể, bởi lực lượng hải quan không phải chỉ xử lý mỗi rượu bia, thuốc lá và gỗ, mà còn rất nhiều công việc quan trọng khác. “Nghiệp vụ hải quan có các tiêu chí phân luồng, quan điểm là phải rút ngắn thời gian thông quan ngắn nhất có thể. Xu hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ cũng như yêu cầu của Tổ chức thương mại thế giới, hải quan thế giới là phải rút ngắn thời gian làm thủ tục”- ông Long nói.

 

2
Từng đoàn xe gỗ tắc nghẽn nối đuôi nhau tại cửa khẩu La Lay.


Theo tìm hiểu của PV, thì mặt hàng gỗ không phải chịu thuế nhập khẩu, trong lúc mặt hàng bia, rượu, thuốc lá lại là mặt hàng đặc thù, có thuế suất cao. Do đó, Công văn số 19128/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính gộp mặt hàng gỗ và mặt hàng bia, rượu, thuốc lá để chỉ đạo “xử lý thuế hàng nhập khẩu nhưng tái xuất quá 365 ngày” như hiện nay là không phù hợp với các quy định của pháp luật, mà cụ thể là Nghị định 87 của Chính phủ.

Bởi nếu quy định như công văn của Bộ Tài chính hiện nay, yêu cầu Hải quan các tỉnh không thực hiện hoàn thuế đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, gỗ nhập khẩu, sau đó tái xuất nhưng quá hạn 365 ngày. Trong thời hạn 365 ngày, Hải quan, Cục thuế phải kiểm tra 100% lô hàng khi nhập khẩu và tái xuất mới xét hoàn thuế cho các mặt hàng này, sẽ dẫn đến những bất cập thực tế nêu trên cho mặt hàng gỗ, là mặt hàng 0% thuế suất và luôn được nhập về với khối lượng lớn, yêu cầu các điều kiện đặc thù như bến bãi, vận chuyển… Trong lúc việc nhập khẩu, tái xuất vốn không được quy định thời gian cụ thể nào.

“Nếu cứ giữ quy định như hiện nay, thì mặt hàng gỗ sẽ tiếp tục tắc cứng tại các cửa khẩu. Không chỉ doanh nghiệp và người lao động sẽ thiệt hại, mà ngay cả Nhà nước cũng gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Bởi gỗ là mặt hàng đặc thù, Nhà nước khuyến khích nhập khẩu, với ưu đãi thuế suất 0%, nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng và chảy máu tài nguyên. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính bãi bỏ quy định vô lý này, tạo sự thông thoáng trong thủ tục hành chính, thực hiện đúng yêu cầu đổi mới, cải cách các thủ tục hành chính mà Nhà nước đã quy định, nhất là với các thủ tục thông quan tại các cửa khẩu quốc tế”- ông Trần Phát Đạt kiến nghị.
 

Bài và ảnh: Bùi Tiến

.