Dự án "siêu rùa" kỳ lạ của VNPT
Cập nhật lúc 09:45, Thứ sáu, 20/09/2013 (GMT+7)
Ngày 26/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị ngừng Dự án cáp quang biển Bắc – Nam của tập đoàn VNPT, sử dụng gần 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA của Nhật Bản, triển khai từ năm 2003 nhưng không thực hiện được. Vậy vì sao một dự án đầu tư quan trọng mang tính chiến lược quốc gia như vậy lại chậm tiến độ tới 10 năm?
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc phải điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu chính là bởi quá trình triển khai dự án và phối hợp giữa Ban QLDA và nhà thầu tư vấn để xây dựng và phê duyệt hồ sơ mời thầu (của gói thầu thi công chính) quá chậm. Quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu cũng gặp nhiều vướng mắc, dẫn tới các công nghệ cáp quang theo yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu bị lạc hậu khá nhiều so với tốc độ phát triển công nghệ tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Do không được quy định cụ thể, nên giữa Ban QLDA và JTEC xảy ra các bất đồng và tranh cãi về việc nghiệm thu và thanh toán cho công tác khảo sát biển (MSR) và thiết kế thi công (CDR) kéo dài. JTEC thực hiện MSR từ năm 2005 nhưng không quan tâm theo đúng quy định phần việc không thực hiện hoặc thực hiện thiếu sẽ bị giảm trừ. Do vậy, khi nghiệm thu bị trừ tiền, đã nảy sinh tranh cãi. Ngoài ra, cán bộ Ban QLDA cũng không năm vững được đầy đủ các quy định nên không có hướng dẫn giải thích kịp thời cho JTEC.
Chính vì không được nghiệm thu thanh toán MSR, nhà tư vấn đã nhiều lần không chịu hợp tác, gây sức ép, không hoàn thiện báo cáo đánh giá thầu giai đoạn 1 nếu Ban QLDA không nghiệm thu MSR. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây chậm tiến độ hợp đồng tư vấn nói riêng và cả dự án cáp quang biển Bắc Nam nói chung.
Đến dự án cáp… phế thải
Tính đến thời điểm cuối năm 2007, có thể thấy những vướng mắc và bất đồng trong quá trình triển khai, nghiệm thu giữa nhà thầu tư vấn JTEC/KEC và Ban QLDA cáp quang biển Bắc –Nam là nguyên nhân chính khiến quá trình lập hồ sơ mời thầu cho gói thầu thi công chính bị chậm trễ, kéo dài tới 3 năm, đến tháng 12/2007 mới phê duyệt được Hồ sơ mời thầu, tháng 01/2008 phát hành Hồ sơ mời thầu.
Với một lĩnh vực có sự phát triển nhanh như viễn thông, thì khoảng thời gian 3-5 năm đã đủ để thay mới một thế hệ công nghệ hiện đại hơn. Chính vì vậy, yêu cầu kỹ thuật ban đầu cho tuyến cáp quang 8 sợi dung lượng 60Gbps không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu (lên thành cáp quang 24 sợi, dung lượng 320Gbps).
Việc điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu chính kéo theo việc phải đàm phán lại với nhà thầu trúng thầu về giá để tăng dung lượng truyền dẫn, lập hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư để VNPT trình Bộ TT&TT, thẩm tra tổng mức đầu tư, đề nghị nhà thầu gia hạn hồ sơ dự thầu… Nhưng quan trọng nhất là tổng mức đầu tư của dự án đã bị đội lên cao hơn mức ban đầu khá nhiều (lên tới 3.494 tỷ VNĐ), chủ yếu do biến động về tỷ giá giữa đồng Yên Nhật (JPY) và VNĐ.
Chính vì những lý do này, sau khi tập đoàn VNPT báo cáo Bộ TT&TT và Bộ TT&TT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị ngừng Dự án cáp quang biển Bắc – Nam của VNPT. Sau 10 năm triển khai, dự án đã tiêu tốn hơn 130 tỷ VNĐ cho các chi phí triển khai, thiết kế khảo sát, thuê nhà thầu tư vấn, xây dựng nhà trạm cho các điểm cập bờ… nhưng chưa biết sẽ thanh toán vốn vay bằng cách nào, vì dự án đã ngừng nên không thể sử dụng nguồn vốn ODA để trả.
Sự yếu kém của nhà tư vấn và thiếu chủ động của Ban QLDA cũng là nguyên nhân khiến cho việc chấm thầu ở gói thầu thi công chính tiếp tục gặp trục trặc, phải mất thêm 4 năm nữa mới có kết quả đấu thầu. VietNamNet sẽ phân tích những nguyên nhân khiến quá trình chấm gói thầu chính tiếp tục bị chậm trễ trong bài viết tiếp theo.
Theo Vietnamnet