(BVPL ) -Tính đến đầu quý I/2016 KKT Nghi Sơn đã thu hút 141 dự án đầu tư trong nước và 8 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 97.094 tỷ đồng và 9.823,4 triệu USD. Hiện nhà máy Lọc hóa dầu đã thực hiện gần 80% phần lắp đặt máy móc. Nhiều nhà máy đã đi vào hoạt động, khoảng 70% đạt tỷ lệ lấp đất  đã chuyển dần vùng đất nghèo thành khu công nghiệp hiện đại.  

 

Cảng nước sâu Nghi Sơn tấp nập tàu ra vào vận chuyển hàng hóa 3
Cảng nước sâu Nghi Sơn tấp nập tàu ra vào vận chuyển hàng hóa 3
Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, từ năm 2012 đã có sản phẩm thương mại
Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, từ năm 2012 đã có sản phẩm thương mại

 

Từ năm 1992 dự án xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn đi vào hoạt động, theo đó là các dự án Xi măng Công Thanh, Nhiệt điện, Khu công nghiệp luyện kim, xây dựng các tuyến đường giao thông, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn …cùng với các dự án là di dời dân 5 xã đến nơi ở mới đã làm 12 xã Nam huyện Tĩnh Gia sôi động. Sự chuyển mình mạnh mẽ nhất bắt đầu cuối tháng 10/2013, sau khi khởi công xây dựng Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư trên 9,3 tỷ USD.


Theo báo cáo của Ban KT nghi Sơn, tính đến nay KKT Nghi Sơn đã có 59 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các dự án này đang trong thời gian hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Giai đoạn 2011 – 2015 giá trị sản xuất – dịch vụ - thương mại của các dự án đạt 44.500 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 6.700 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 500 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 lao động.

 

Riêng dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang gấp rút thi công đảm bảo tiến độ. Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đến cuối tháng 1/2016 tiến độ xây dựng đạt 72,5% so với KH hợp đồng EPC. Tiến độ hoàn thành cơ khí là 83%...đến tháng 7/2017 sẽ đi vào vận hành thương mại. Tiến độ giải ngân đến tháng 12/2015 đạt 5,7 tỷ USD trên tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD. Trên công trường hiện có khoảng 30.000 lao động làm việc trực tiếp cho hơn 40 nhà thầu thi công. Trong đó có một số dự án lớn như Xi măng Công Thanh công suất 5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 700 triệu USD; Nhà máy xi măng Nghi Sơn vốn đầu tư 622 triệu USD; Nhà máy sản xuất dầu Singapo và dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 tổng vốn 2,3 tỷ USD đầu tư theo BOT quốc tế do tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết, dự kiến triển khai vào năm 2016…

 

Một góc nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Một góc nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

 

Ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết: Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được triển khai xây dựng nghiêm túc đã tạo ra nhiều thời cơ và sức hấp dẫn cho nhiều dự án đầu tư phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có sự xuất hiện những nhà đầu tư đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Ba Lan, Pháp, Canada, Australia…Tuy nhiên, để đảm bảo cho KKT Nghi Sơn đúng nghĩa  “khu kinh tế trọng điểm” thời gian tới Ban QL khu kinh tế Nghi Sơn tiếp tục xúc tiến nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, rà soát, điều chỉnh bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển khu kinh tế và các khu công nghiệp; Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính; Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KKT và các KCN…Từ đó sử dụng hiệu quả cảng biển Nghi Sơn và các tuyến đường giao thông đưa sản phẩm dầu khí ra thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay vẫn còn khoảng 20 đến 30% lao động tại các khu tái định cư chưa làm quen với lao động tại các khu công nghiệp. Song họ không còn khó khăn như trước nữa vì trong một gia đình thường có 1 đến 2 lao động làm việc tại các dự án, họ này đã thoát nghèo từ mức lương 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Hiện nay Thanh Hóa đã gấp rút xây dựng Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn với đào tạo nhiều loại hình nghề khác nhau để đáp ứng công ăn việc làm cho nhân dân khu vực chuyển nghề biển, làm ruộng sang làm nghề dịch vụ, sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và một số nghề phuc vụ các nhà máy trong KKT Nghi Sơn.


Được biết, ban đầu Khu KT Nghi Sơn quy hoạch 18.611,8 ha gồm 12 xã, nhằm khai thác tối đa lợi thế, ngày 12/6/2015 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mở rộng diện tích lên 106.000ha bao gồm toàn bộ diện tích huyện Tĩnh Gia và 4 xã của các huyện lân cận. Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với huyện Tĩnh Gia và Ban quản lý KKT Nghi Sơn xây dựng chương trình phát triển khu đô thị Nghi Sơn, phấn đấu cuối năm 2015 hoàn chỉnh các tiêu chí và thủ tục công nhận đô thị Nghi Sơn đạt chuẩn đô thị loại III. Đến năm 2016, tiến hành các thủ tục đề nghị công nhận là thành phố. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị mới Nghi Sơn hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với nội dung và khung thời gian của quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, quy hoạch vùng huyện Tĩnh Gia và quy hoạch chung KKT Nghi Sơn.


Phạm Ngọc

.