Đây là nhấn mạnh của PTT Trương Hòa Bình tại Lễ Công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 5 đã được tổ chức vào tối 30/11 (Hà Nội).
Tới dự và phát biểu tại lễ công bố, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia cần nỗ lực nâng cao vị thế tiên phong trên thị trường trong và ngoài nước, để xứng đáng với vai trò đại diện, điển hình cho Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Chúc mừng và biểu dương 88 doanh nghiệp được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, trong đó tới 23 doanh nghiệp đã 5 lần đạt danh hiệu này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia những năm trước đây, đến nay vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng sản xuất, kinh doanh; gia tăng cao cả về lợi nhuận và doanh thu; giữ vững được thị trường nội địa và xuất khẩu, dù còn phải đối mặt với không ít khó khăn. Điều này chứng tỏ sự phấn đấu bền bỉ và bản lĩnh vững vàng của các doanh nghiệp.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Công Thương trao chứng nhận cho doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia 2016. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng khẳng định, những thành tựu mà các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia đã đạt được là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới đây. Kỳ vọng vào bản lĩnh và năng lực của các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia, Phó Thủ tướng mong muốn, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia sẽ tiếp tục theo đuổi các giá trị của chương trình là: “Chất lượng – Đổi mới - Sáng tạo – Năng lực tiên phong”, xứng đáng với Thương hiệu mà Nhà nước và Chính phủ đã trao cho; đồng thời, xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam:
“Để đạt những mục tiêu này, các doanh nghiệp cần đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm và hoạt động tài chính minh bạch, lành mạnh. Sản xuất và cung ứng bằng công nghệ tiên tiến, nhưng phải thân thiện môi trường; sử dụng nguyên vật liệu trong nước, thay thế sản phẩm nhập khẩu. Không ngừng đổi mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh; sản phẩm và dịch vụ cần chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Nâng cao vị thế tiên phong của doanh nghiệp mình và ngành mình trên thị trường ở trong và ngoài nước, để xứng đáng với vai trò đại diện, điển hình cho Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.”
|
|
Để chương trình được phát triển hơn nữa, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu đơn vị tổ chức là Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp để xây dựng chương trình hiệu quả hơn. Đối với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng mong muốn chủ động, sáng tạo và nỗ lực hơn nữa trong sự phát triển kinh doanh của mình. Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất trong đó tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thông thoáng hơn để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt nhất.
Theo Bộ Công Thương, sau khi thông tin về Chương trình được công bố, đã có hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia. Trải qua nhiều vòng xét duyệt, với các tiêu chí nghiêm ngặt, năm nay có 88 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia, đại diện của 16 lĩnh vực, ngành hàng sản xuất và dịch vụ…Trong đó, có 23 doanh nghiệp 5 lần liên tiếp được vinh danh, trong đó có các tên tuổi lớn như: Việt Tiến; Sabeco; Hòa Bình; Vinacoffe; Vietcombank; An Phước; Biti’s; VNPT; vàng SJC; Cao su Vina; Nhựa Bình minh…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết, mặc dù số lượng 88 doanh nghiệp đạt THQG năm 2016 còn khiêm tốn trong tổng số gần 600.000 doanh nghiệp trên cả nước hiện nay, tuy nhiên nếu xét về mức độ tăng dần về số lượng doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia qua từng kỳ, có thể thấy được sự tiến bộ về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, sự quan tâm ngày càng cao của doanh nghiệp đối với Chương trình cũng như uy tín của Chương trình đối với cộng đồng doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng gần 70%.
Ông Doãn Gia Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, một trong những doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia chia sẻ, đây là một chương trình có ý nghĩa lớn nhằm vinh danh doanh nghiệp nỗ lực xây dựng thương hiệu, qua đó xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có những thương hiệu uy tín, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập:
“Trong 25 năm qua, chúng tôi có nhiều nỗ lực nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, liên tục tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. Định hướng thời gian tới sẽ có một loạt giải pháp để nâng tầm thường hiệu ngày càng tốt hơn như: liên tục đổi mới công nghệ, chất lượng, mang đến sản phẩm có tính năng mới, thân thiện môi trường, luôn luôn tạo ra sự cạnh tranh về giá cả, chi phí. Thứ hai là đổi mới mô hình quản trị, phát triển thương hiệu theo thông lệ quốc tế.”
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003 và giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện. Việc lựa chọn các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được tiến hành 2 năm một lần bắt đầu từ năm 2008, là chương trình duy nhất của Chính phủ tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia trên thị trường trong và ngoài nước. Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập ngày càng lớn, các doanh nghiệp mong muốn, cần tiếp tục truyền thông quảng bá cho chương trình này để Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp đạt được giá trị Thương hiệu Quốc gia./.
Theo Việt Hà/VOV