(BVPL) - Giá thuốc ở các bệnh viện giảm 20-30% từ khi Bộ Y tế, Bộ Tài chính thực hiện Thông tư liên bộ số 01 ngày 19/01/2012. Nhìn bề ngoài thì Thông tư này đem đến niềm vui bởi nó tránh được rào cản đội giá… nhưng cũng là nỗi lo, niềm trăn trở cho nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện và chất lượng của những nhà sản xuất thuốc.
 

Vấn đề đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập dường như là vấn đề “nhạy cảm”, nên không một ai muốn lộ danh tính của mình bởi nếu lộ sẽ khó được xem xét khi chấm thầu. Trưởng khoa dược tại một bệnh viện huyện đề nghị giấu tên cho biết: Tình trạng nhiều loại thuốc giá rẻ, không đảm bảo chất lượng trúng thầu khiến bệnh viện điều trị không hiệu quả và bệnh nhân chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều thuốc có trong danh mục nhưng khi bệnh viện yêu cầu thì đơn vị trúng thầu lại chưa có cung ứng.  

Doanh nghiệp “nội” lao đao

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm. Thế nhưng, đấu thầu thuốc tập trung lại đang khiến cho hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước  lao đao. Theo một số chuyên gia về lĩnh vực y dược, khi tham gia đấu thầu tập trung, nếu trúng thầu thì doanh nghiệp dược sẽ phải cung ứng thuốc cho cả nước. Với dây chuyền sản xuất hiện có, khi phải cung ứng một lượng thuốc tăng từ 60 - 200%, doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng.

Mặt khác, khi tham gia đấu thầu, doanh nghiệp sẽ phải cam kết giữ ổn định mức giá. Nhưng trên thực tế, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất dược trong nước chủ yếu nhập từ nước ngoài, với 90% nguyên liệu phải nhập khẩu thì khi giá nguyên liệu biến động sẽ khó tránh khỏi tình trạng doanh nghiệp trúng thầu bị đơn vị cung cấp nguyên liệu “hét giá” và nguy cơ phá sản của doanh nghiệp dược có thể xảy ra.

Một doanh nghiệp cung ứng thuốc bị “khai tử” cũng đồng nghĩa với việc cung ứng mặt hàng thuốc trúng thầu của doanh nghiệp đó ngưng trệ hoàn toàn trên thị trường. Lo sợ bị phá sản, nhiều doanh nghiệp dược chẳng còn cách nào khác là “kêu cứu” lên Chính phủ, Bộ Y tế để mong được tháo gỡ. Trong văn bản phát đi mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam đại diện cho các nhà sản xuất dược trong nước kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực đấu thầu thuốc nhằm tránh tình trạng hiện nay: các doanh nghiệp sản xuất thuốc càng đầu tư lớn theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP, PIC-GMP, đổi mới kỹ thuật công nghệ càng gặp khó khăn trong đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị.
 

Gia Khánh

.