Đưa điện đến vùng sâu, hải đảo…

Một trong những dấu ấn mạnh mẽ nhất của ngành điện miền Nam là triển khai và thực hiện thành công Chương trình điện khí hóa nông thôn, đưa điện đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, ngành điện miền Nam bắt tay thực hiện chương trình Điện khí hóa nông thôn với hàng loạt dự án, công trình đưa điện đến các xã, thôn, buôn làng ở 21 tỉnh thành phía Nam chưa có điện được triển khai. Nhờ đó, số hộ dân được sử dụng điện không ngừng tăng, từ 99,12% số xã và 69,64 số hộ dân có điện (năm 2001) lên 100% số xã và 99,69% số hộ dân có điện, trong đó 99,55% số hộ dân nông thôn có điện vào cuối năm 2019. EVNSPC dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đưa điện đến hầu hết các hộ dân nông thôn trên địa bàn.

Song song với việc triển khai các dự án cấp điện mới, EVNSPC đã thực hiện nhiều dự án cải tạo lưới điện, góp phần nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất và đảm bảo an toàn cung cấp điện tại khu vực nông thôn. EVNSPC cũng đã hoàn thành tiếp nhận các công trình điện hạ áp tại 876 xã, trực tiếp bán điện cho 1,2 triệu hộ dân nông thôn, bảo đảm cho người dân được mua điện theo đúng giá quy định của Nhà nước và được cung cấp đầy đủ các dịch vụ của ngành Điện. EVNSPC cũng đã hoàn thành cấp điện cho 113 xã theo tiêu chí số 4 về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam.

leftcenterrightdel

Thành tựu lớn nhất của ngành điện miền Nam là công cuộc điện khí hóa nông thôn tại các tỉnh phía Nam, với kết quả đạt được là 100% số xã và 99,69% số hộ dân có điện, trong đó 99,55% số hộ dân nông thôn có điện đến thời điểm hiện nay. 

EVNSPC đã huy động mọi nguồn lực đầu tư cấp điện, tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn và bảo đảm điện cho tại các huyện đảo. Đến nay đã đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia và phát triển nguồn điện tại chỗ, đảm điện cho 100% huyện đảo trên địa bàn quản lý, gồm: Phú Quốc, Kiên Hải, Lại Sơn (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa)... góp phần phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đột phá đổi mới

Cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ năm 2013 EVNSPC quyết tâm đổi mới trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng và bắt đầu việc bằng giảm các thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ cơ chế 1 cửa, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận dịch vụ điện năng. Tiếp đến, EVNSPC thuê tư vấn độc lập đánh giá sự hài lòng của khách hàng đối với các dịch vụ điện lực. Kết quả cho thấy, sự hài lòng của khách hàng dành cho EVNSPC đã tăng qua từng năm. Trên cơ sở đặt lợi ích và sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu phấn đấu, EVNSPC đã và đang từng bước xóa dần hình ảnh doanh nghiệp nhà nước “độc quyền” trong mắt khách hàng.

Cuối năm 2015, EVNSPC cho ra đời Trung tâm Chăm sóc khách hàng, hoạt động 24/24h, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng sử dụng điện. Từ đây, công tác chăm sóc khách hàng của EVNSPC được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đa kênh, thông qua Tổng đài 19001006 – 19009000, email, zalo, website, facebook… Hệ thống dịch vụ khách hàng được chuẩn hóa về cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng, bảo đảm cung cấp điện và dịch vụ chăm sóc khách hàng đúng đối tượng.

EVNSPC sử dụng các phần mềm ứng dụng hiện trường nhằm kết nối việc khai thác đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4; bảo đảm 100% công ty điện lực được cài đặt và sử dụng chương trình quản lý liên hệ với khách hàng (CRM mobile) cho 100% nhân viên kinh doanh và sửa chữa điện ngoài hiện trường.

Bên cạnh đó, nhằm tối ưu hóa tính tiện ích, tạo thuận lợi cho khách hàng, đồng thời nâng cao năng suất lao động, EVNSPC đã hợp tác với các ngân hàng và tổ chức trung gian triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện. Đến nay đã hợp tác thu hộ tiền điện với 15 ngân hàng và 8 tổ chức trung gian. Khách hàng sử dụng điện có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi, qua nhiều kênh như trích nợ tự động tài khoản (uỷ nhiệm thu), uỷ nhiệm chi, Internet banking/Mobile Banking/Ví điện tử, thẻ thanh toán ngân hàng, thanh toán trực tiếp tại các phòng giao dịch/quầy ATM ngân hàng, bưu cục hoặc điểm thu tiện lợi như siêu thị, cửa hàng của các tổ chức trung gian…

leftcenterrightdel
Ngành Điện miền Nam đã nỗ lực đưa điện đến hầu hết các xã đảo vùng biển tây Nam tổ quốc và quần đảo Trường Sa.  
EVNSPC còn kết nối, cung cấp các dịch vụ điện tại Cổng Thông tin dịch vụ công trực tuyến hoặc Trung tâm Hành chính công tại các tỉnh/thành phố. Để nâng cao hơn nữa sự thuận lợi, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ điện đến khách hàng, EVNSPC đã cung cấp “dịch vụ điện trực tuyến” tương đương dịch vụ công cấp độ 4. Nhờ đó, khách hàng chỉ cần giao dịch với ngành Điện qua hình thức trực tuyến, bao gồm cả việc đóng tiền cho các dịch vụ điện có phát sinh chi phí (nếu có).

EVNSPC tiếp tục hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng trong giai đoạn tới và đặt mục tiêu đến năm 2025, dịch vụ khách hàng đạt ngang bằng các nước ASEAN 3; trong đó chỉ số SAIDI<150 phút/năm, SAIFI < 3 lần/năm (tính cả số lần cắt điện theo kế hoạch); chỉ số tiếp cận điện năng đạt ngang bằng các nước ASEAN 3 (thời gian giải quyết thủ tục của đơn vị điện lực).

Điện khí hóa nông thôn của Việt Nam là một kì tích

Về điện khí hoá nông thôn, tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% vào năm 1993 lên tới trên 99% vào năm 2018. Trong vòng 25 năm, hơn 14 triệu hộ gia đình hay 60 triệu người dân Việt Nam đã được hoà lưới điện quốc gia. Đây quả thật là một kỳ tích”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói tại “Hội nghị cấp cao lần thứ 2 - Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) về Tương lai ngành năng lượng bền vững cho Việt Nam” diễn ra cuối năm 2018. Theo ông Ousmane Dione, Việt Nam là một câu chuyện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành năng lượng trong một vài thập kỷ vừa qua. Hai khía cạnh cần được nhấn mạnh trong câu chuyện thành công này là điện khí hoá nông thôn và cải cách ngành”.


Phi Sơn – Phục Lễ